TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HẬU GIANG - CDC HẬU GIANG

http://www.cdchaugiang.org.vn


Nâng cao năng lực mạng lưới chăm sóc dinh dưỡng trường học

Tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tổ chức, tuyên truyền về dinh dưỡng ở trường học là một mấu chốt quan trọng thúc đẩy thực hành dinh dưỡng hợp lý, lựa chọn thực phẩm lành mạnh, an toàn cho học sinh.
100% trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS ở tỉnh được tập huấn cải thiện dinh dưỡng do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức.

100% trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS ở tỉnh được tập huấn cải thiện dinh dưỡng do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức.

Trang bị kỹ năng truyền thông
Tham gia lớp tập huấn Cải thiện dinh dưỡng vừa được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức, ông Trần Quốc Toản, Trường Tiểu học Long Phú 1, thị xã Long Mỹ, cho biết: “Ở trường tiểu học của tôi không tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Chúng tôi chủ yếu thực hiện truyền thông dinh dưỡng trong các buổi sinh hoạt dưới cờ và giáo viên đứng lớp trong quá trình giảng dạy có lồng ghép giáo dục các em học sinh. Lớp tập huấn trao đổi khá sâu về các kỹ năng truyền thông. Tôi thấy mình học được những kỹ năng này sẽ áp dụng vào thực tiễn truyền thông ở trường, nâng cao hiệu quả truyền thông để cung cấp kiến thức cho học sinh tốt nhất, giúp các em biết lựa chọn thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm”.
Ông Toản là một trong 290 người phụ trách công tác y tế trường học được tập huấn. Ngoài nắm chắc kiến thức thì kỹ năng truyền thông tốt sẽ nâng cao hiệu quả truyền thông dinh dưỡng ở trường học.
Ông Đặng Bá Phát, Trưởng khoa Truyền thông Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Một số kỹ năng thường sử dụng trong truyền thông trực tiếp, như kỹ năng tìm hiểu đối tượng, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng quan sát, kỹ năng truyền đạt và trình bày, kỹ năng động viên khuyến khích. Thực tiễn truyền thông các kỹ năng này có một mối liên hệ mật thiết và hỗ trợ cho nhau. Người phụ trách công tác y tế trường học cần vận dụng lắng nghe và quan sát tốt để thực hiện tốt kỹ năng tìm hiểu. Kỹ năng động viên phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng truyền đạt. Ngoài ra, chúng tôi còn hướng dẫn các trường triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục dinh dưỡng trong trường học như thế nào cho hiệu quả?”.
Thúc đẩy quản lý tốt tình trạng dinh dưỡng trẻ em
Bà Phan Thị Quyên, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Tham gia lớp tập huấn giúp chúng tôi củng cố hơn về kiến thức tổ chức bữa ăn hợp lý cho trẻ. Thực tế tại trường luôn quan tâm đúng mức việc tổ chức mỗi bữa ăn đủ dinh dưỡng. Chúng tôi xây dựng thực đơn mỗi tháng và thực đơn đa dạng loại thực phẩm, trong 1 tuần sẽ không trùng thực đơn. Trường đã ứng dụng hiệu quả phần mềm để tính toán đảm bảo đủ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của trẻ”.
 Tại các trường mầm non, mẫu giáo, giáo viên luôn hướng dẫn, động viên trẻ ăn hết khẩu phần, động viên các em ăn rau củ, bổ sung sữa mỗi ngày để trẻ phát triển toàn diện.
Hoạt động đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ cũng được duy trì ở các trường để chủ động cải thiện dinh dưỡng đối với trẻ suy dinh dưỡng và kiểm soát cân nặng đối với trẻ béo phì. Ông Trần Quốc Toản, Trường Tiểu học Long Phú 1, thị xã Long Mỹ, cho biết: “Hàng năm, trường đều có khám sức khỏe cho học sinh, trong đó có cân nặng, đo chiều cao, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của học sinh. Học sinh mới vào lớp 1 và lớp 5 sẽ được khám. Qua đó, trường chủ động phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì ở trẻ em. Truyền thông giáo dục dinh dưỡng được thực hiện trong một mối liên hệ qua lại với các lĩnh vực liên quan khác như chăm sóc sức khỏe, giáo dục an toàn thực phẩm, thể dục vận động... nhằm bảo vệ tốt sức khỏe và phát triển toàn diện ở trẻ”.
100% trường mầm non, tiểu học, THCS được tập huấn
Từ ngày 1 đến 8-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức 6 lớp tập huấn về Cải thiện dinh dưỡng cho 290 viên chức phụ trách y tế trường học, viên chức phụ trách dinh dưỡng ở 100% trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh. Qua tập huấn đã góp phần nâng cao năng lực mạng lưới y tế trường học của tỉnh về chăm sóc dinh dưỡng trẻ em. Góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng và suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng và tầm vóc của trẻ em dưới 16 tuổi. Đặc biệt trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên dịa bàn tỉnh. 

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: Bích Thiện – Hồng Diễm