TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HẬU GIANG - CDC HẬU GIANG

http://www.cdchaugiang.org.vn


Thông tin báo chí tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (thuốc lá mới) và đề xuất các biện pháp ngăn chặn thuốc lá mới

Mục đích: Tóm tắt phát hiện chính từ kết quả Nghiên cứu “Tổng hợp và phân tích các nghiên cứu, báo cáo của quốc tế và trong nước về tác hại của thuốc lá mới, đề xuất các biện pháp ngăn chặn thuốc lá mới” do Bộ Y tế thực hiện.
Phương pháp: Tổng quan có hệ thống các bằng chứng hiện có, kết hợp dữ liệu từ các tổng quan quốc tế và cập nhật các nghiên cứu mới.
Thông tin chung:
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại Hội thảo Công bố tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội vừa qua.
  • Theo kết quả nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2021 của tổ chức IHME, ước tính Việt Nam có hơn 84.500 ca tử vong do hút thuốc lá chủ động và 18.800 ca tử vong do hút thuốc thụ động; thiệt hại kinh tế do hút thuốc lá, gồm chi phí khám chữa bệnh và tổn thất năng suất lao động, chiếm 1,14% GDP năm 2022 (tương đương 108,7 nghìn tỷ đồng).
  • Trong thập kỷ qua, tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành ở Việt Nam giảm chậm, năm 2021 là 20,8% (nam 41,1% thuộc nhóm cao nhất thế giới, nữ 0,6%). Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% (2014) xuống 1,9% (2022).
  • Việt Nam đối mặt với sự gia tăng người sử dụng thuốc lá mới (chủ yếu là thuốc lá điện tử -TLĐT, thuốc lá nung nóng -TLNN), đặc biệt là trong giới trẻ.
  • Năm 2019, khoảng 2,6% học sinh Việt Nam từ 13 đến 17 tuổi sử dụng TLĐT (3,6% nam và 1,5% nữ). Năm 2022, tỷ lệ sử dụng ở vị thành niên là học sinh 13-15 tuổi là 3,5% (4,3% nam và 2,8% nữ). Theo kết quả sơ bộ của điều tra tại 11 tỉnh/thành phố năm 2023, tỷ lệ sử dụng ở học sinh 13-17 là 8,1%; tỷ lệ sử dụng ở các thành phố lớn và thành thị cao hơn so với nông thôn; sử dụng ở nữ giới cao (4,3% ở nữ giới tuổi 11-18, 11 tỉnh/thành phố năm 2023). Tỷ lệ sử dụng TLĐT ở người trưởng thành Việt Nam năm 2015 là 0,2%, 0,6% năm 2021. Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020, tỷ lệ hút TLĐT ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) là 3,6%, cao nhất ở nhóm vị thành niên và thanh niên 15-24 (7,3%), tiếp đến là nhóm tuổi 25 - 44 (3,2%) và 45 - 64 tuổi (1,4%).
  • Năm 2021, 0,06% người trưởng thành Việt Nam sử dụng TLNN; tỷ lệ sử dụng TLNN ở học sinh13-15 tuổi Việt Nam năm 2022 là 0,6%. Năm 2023, tại 11 tỉnh/thành phố, tỷ lệ sử dụng TLNN ở nhóm 13-15 tuổi là 1,4%.
  • Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá điện tử (TLĐT) là sản phẩm có hệ thống phân phối điện tử (e-cigarette) dạng thiết bị hay tách riêng các bộ phận, được thiết kế không cháy mà chỉ làm hóa hơi dung dịch mà người dùng hít vào. Dung dịch này có thể chứa nicotine hoặc không chứa nicotine, cùng các chất độc hại khác như hạt mịn (PM), propylene glycol, glycerin, formaldehyde, acetaldehyde, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs), hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs), nitrosamine (TSNAs), kim loại, hạt silicate, các chất dicarbonyl (glyoxal, methylglyoxal, diacetyl) và hydroxycarbonyl (acetol). Sử dụng TLĐT dẫn đến hít phải một loạt các hóa chất nêu trên, gây hại cho người sử dụng và người xung quanh. TLĐT khác thuốc lá điếu ở chỗ không có sợi/lá thuốc lá.
  • Theo WHO, thuốc lá nung nóng (TLNN) là các sản phẩm tạo ra các sol khí có chứa nicotine và hóa chất độc hại khi được làm nóng hay khi một thiết bị có chứa thuốc lá được kích hoạt. Người dùng hít sol khí này qua thiết bị hút TLNN. TLNN chứa nicotine cũng như các chất phụ gia, và thường có hương vị. Các sản phẩm TLNN mới hơn bao gồm các biến thể nhiệt độ khác nhau. Các sản phẩm TLNN lai có chứa cả thuốc lá và dung dịch (chứa nicotine), thiết bị có đầu carbon, thiết bị sử dụng lưới kim loại có các lỗ nhỏ để làm nóng thuốc lá dưới dạng viên nhộng, và các thiết bị khác cho phép tùy chỉnh nhiệt độ, mức độ tỏa khói và hương vị. Rất khó để xác định và liệt kê đầy đủ các dạng sản phẩm thuốc lá mới sẽ xuất hiện trong thời gian tới.
           Phát hiện chính:
           TÁC HẠI ĐỐI VỚI SỨC KHỎE
  • Tác hại đối với sức khỏe của TLĐT:
  1. Các tác hại cấp tính: hút TLĐT có thể dẫn đến tổn thương phổi cấp có thể dẫn đến tử vong (EVALI), bị thương và bỏng do nổ pin và cháy thiết bị và ngộ độc do quá liều nicotin và ngộ độ các chất ma túy được pha trộn vào dung dịch thuốc lá điện tử.
  2. TLĐT chứa nicotine - chất gây nghiện mạnh, có hại cho sự phát triển não bộ thanh thiếu niên dưới 25 tuổi. Nicotine ảnh hưởng xấu đến sự hình thành các khớp thần kinh (Synapse), gây ra vấn đề về trí nhớ, tập trung, học tập, tự chủ và rối loạn tâm trạng. Hậu quả lâu dài nghiêm trọng bao gồm nghiện, có thể dẫn đến rối loạn nhận thức, cảm xúc, giảm khả năng tập trung, học tập; liên quan đến các rối loạn tâm thần.
  3. Hô hấp: WHO khẳng định rằng việc sử dụng thuốc lá điện tử có liên quan độc lập với bệnh hô hấp ở người. Hút thuốc lá điện tử có liên quan đến: suy giảm/rối loạn chức năng phổi, sức cản đường thở/ hô hấp tăng, triệu chứng hô hấp (thở khò khè, thở rít trong ngực, khó thở), kích ứng họng và miệng, ho; làm nặng thêm các rối loạn hô hấp như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD); có liên quan đến mắc hen suyễn, COPD và viêm phế quản ở người có hút thuốc lá điếu; có liên quan đến mức độ biểu hiện của một số miRNA (các tiểu phân tử RNA) một trong những cơ chế liên quan đến sự phát triển bệnh hô hấp liên quan đến hút thuốc lá; ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng phổi, đặc biệt ở người bệnh hen suyễn; làm thay đổi chức năng của các tế bào tủy, bao gồm cả bạch cầu hạt, do đó ảnh hưởng lên các bệnh dị ứng, trong đó có hen suyễn các loại.
  4. Bệnh tim mạchdo hạn chế về thời gian, các nghiên cứu về ảnh hưởng TLĐT đối với hệ tim mạch ở người giới hạn ở những tác động ngắn hạn, nhưng ngày càng có thêm bằng chứng chứng minh rằng sử dụng thuốc lá điện tử gây tác hại lâu dài đến chức năng tim mạch: giảm chức năng nội mô, nguy cơ huyết khối và xơ vữa động mạch, viêm, thay đổi phân tử, stress oxy hóa và rối loạn chức năng mạch máu, giảm hoạt động của dây thần kinh giao cảm.
  5. Ung thư: TLĐT có liên quan đến: làm tăng kháng thuốc khi điều trị ung thư đầu, cổ và miệngtổn thương DNA tế bào miệng, tăng các chất gây ung thư tiết niệu tiềm năng như crotonaldehyde và benzen, liên quan đến ung thư bàng quang.
  6. Các bệnh răng miệng: hút TLĐT có liên quan đến: bệnh nướu răng, sâu răng, mất xương quanh răng, các bệnh nha chu khác, tổn thương niêm mạc miệng, nhiễm trùng; miễn dịch của cấy ghép răng, mất xương ở người cấy ghép răng; gây kích ứng ở miệng, mảng bám ở miệng
  7. Ảnh hưởng đến sự phát triển và thai nhi: hút TLĐT có liên quan đến các nguy cơ nguy hiểm cho thai nhi, bao gồm hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh hay những dị tật thính giác và béo phì ở trẻ em, giãn phế quản ở trẻ sơ sinh.
  8. Các vấn đề sức khỏe khác mà hút TLĐT có liên quan bao gồm đau đầu, ho, mất ngủ, suy nhược, đau ngực ở người sử dụng là người trẻ tuôi; kích ứng cổ họng, ho, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn; trầm cảm, lo âu, bốc đồng. Người dùng kép gặp khó ngủ hơn người không hút thuốc lá điếu/TLĐT.
  • Tác hại đối với sức khỏe của TLNN
Khói tỏa từ các sản phẩm TLNN có thành phần rất giống với khói tỏa của thuốc lá điếu, có chứa nhiều chất độc có khả năng gây ra nhiều bệnh:
  1. Bệnh hô hấp: hút TLNN có liên quan đến suy giảm chức năng đường thở, tăng nguy cơ bệnh khí phế thũng, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, các triệu chứng hô hấp dai dẳng.
  2. Bệnh tim mạch: hút TLNN có liên quan đến tăng độ cứng thành mạch, tăng nhịp tim, tăng huyết áp - những vấn đề liên quan đến bệnh xơ vữa động mạch.
  3. Ung thư: Khói tỏa của thuốc lá nung nóng chứa nhiều chất gây ung thư; Các kim loại có trong TLNN và các chất được tạo ra trong quá trình nung nóng là các kim loại/chất có khả năng gây ung thư, đồng thời cũng tạo ra các chất gây ung thư trong quá trình nung nóng.
  4. Hệ thần kinh: TLNN có chứa nicotine - chất gây nghiện
  5. Hệ sinh sản, trí não, và ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ mang thai, trẻ em và vị thành niên: Nicotine trong TLNN có thể làm giảm khả năng dự trữ trứng, nguy cơ sinh non, thai chết lưu, sinh con nhẹ cân.
  6. Các vấn đề sức khỏe khác: hút TLNN có liên quan đến: suy yếu khả năng sống của tế bào tiền tạo xương và quá trình chữa lành gãy xương, làm giảm khả năng miễn dịch và tăng viêm nhiễm, có khả năng gây độc tế bào, có liên quan đến bệnh viêm da dị ứng, các bệnh viêm nhiễm, ố răng miệng.
  7. Một số kim loại không có trong thuốc lá thông thường nhưng lại có trong sol khí TLNN như nhôm, titan, stronti, molypden, thiếc và antimon.
  • Người dùng kép (dùng cả thuốc lá điếu và TLĐT hoặc/và TLNN ) có thể chịu nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe hơn người chỉ dùng TLĐT/TLNN hoặc chỉ hút thuốc lá điếu.
  • Chưa có đủ bằng chứng để chứng minh TLĐT và TLNN là sản phẩm giảm hại. Các tuyên bố của ngành công nghiệp rằng“TLĐT giảm hại hơn 95% so với thuốc lá điếu thông thường” thiếu bằng chứng khoa học vững chắc. Thông tin “giảm hại” này dựa trên ý kiến của một nhóm nhỏ các chuyên gia và một bài báo được tài trợ bởi ngành công nghiệp thuốc lá, không được xác thực. WHO khẳng định không có bằng chứng TLĐT, TLNN ít hại hơn thuốc lá điếu. Cả hai đều chứa nicotine gây nghiện và có hại, đặc biệt với não bộ trẻ em. Một số sản phẩm TLĐT chứa các chất độc hại ở mức bằng và cao hơn thuốc lá điếu thông thường. Đối với TLĐT, một phân tích tổng hợp từ 107 nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ và rối loạn chuyển hóa giữa người sử dụng TLĐT và người hút thuốc lá điếu là tương đương; tỷ lệ mắc hen suyễn, COPD và các bệnh về răng miệng thấp hơn. Tuy nhiên, sử dụng kép làm tăng đáng kể tỷ lệ mắc tất cả các bệnh được nghiên cứu. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh những rủi ro sức khỏe đáng kể liên quan đến việc sử dụng TLĐT, đặc biệt là ở giới trẻ và thanh niên, và kêu gọi đánh giá lại các chính sách và quy định liên quan đến các sản phẩm này. Đối với TLNN, Hiệp hội hô hấp Châu Âu (ERS) đã phản bác nhận định TLNN ít hại hơn thuốc lá truyền thống, chỉ ra rằng các công ty thuốc lá không công bố mức độ độc hại của các chất như dạng hạt, hắc ín, acetaldehyde, acrylamide, chất chuyển hóa acrolein và formaldehyde trong khí thải từ TLNN, trong khi các nghiên cứu độc lập chỉ ra rủi ro cao hơn đáng kể so với tuyên bố của ngành công nghiệp thuốc lá.
  • WHO không xác nhận TLĐT, TLNN là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện. Không đủ bằng chứng để kết luận sử dụng TLĐT để cai nghiện thuốc lá điếu thông thường có hiệu quả hơn so với các phương pháp khác. Chưa có bằng chứng về hiệu quả của các sản phẩm muối nicotine để hỗ trợ cai thuốc lá. Trong khi đó, có bằng chứng rằng việc hút TLĐT có thể kéo dài tình trạng nghiện nicotine và cản trở việc cai thuốc; có liên quan đến dãn phế quản ở trẻ sơ sinh-yếu tố nguy cơ dẫn đến các biến chứng ở trẻ sơ sinh nên không thể là biện pháp thay thế an toàn hơn cho việc hút thuốc lá điếu trong thai kỳ; việc khuyến khích người hút thuốc chuyển sang TLĐT, TLNN không làm cho họ có thể bỏ thuốc lá, mà ngược lại tiếp tục duy trì tình trạng nghiện nicotine và phơi nhiễm với nhiều hóa chất độc hại khi sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc lá.
  • Tác hại ban đầu của TLĐT ghi nhận ở VNTheo báo cáo từ gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gồm các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, trực thuộc Sở Y tế và trung tâm y tế huyện năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng TLĐT, TLNN với triệu chứng dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp, và cả đột quỵ não. Số ngày điều trị trung bình từ 1-6 ngày; sau điều trị vẫn để lại di chứng ở 62 người (5%). Trong số đó, 5,8% người dưới 18 tuổi; 10,5% là nữ; 6,6% sử dụng TLĐT/TLNN lần đầu tiên; 89,6% sử dụng kép (có sử dụng cả thuốc lá thông thường).
TÁC HẠI ĐẾN MÔI TRƯỜNG
  • TLĐT và TLNN gây ảnh hưởng đến môi trường qua chất thải, cháy nổ/hỏa hoạn và tạo ra các hạt vật chất trong không khí trong nhà, ảnh hưởng sức khỏe. Nồng độ nicotin, hóa chất, chất gây ung thư trong sol khí TLĐT thụ động vượt mức khuyến nghị của WHO. TLĐT, TLNN không có mùi thuốc lá đặc trưng, làm giảm nhận thức về tác hại và tăng khả năng chịu đựng sol khí. Rác thải TLĐT, TLNN gồm nhựa, hộp đựng, bao bì, pin, chất lỏng điện tử ảnh hưởng môi trường. Chất thải TLĐT, TLNN chứa bảng mạch và pin lithium-ion gây khó khăn cho xử lý.
TÁC HẠI VỀ KINH TẾ
  • Gánh nặng kinh tế đối với xã hội và hệ thống y tế chưa được nghiên cứu đầy đủ do đây là các sản phẩm mới xuất hiện và nhiều tác hại chưa bộc lộ. Ngoài gánh nặng do thuốc lá điếu, các nước còn đối mặt với chi phí do gia tăng người dùng TLĐT và TLNN. Tác hại kinh tế của sử dụng TLĐT được nghiên cứu tại một số nước phát triển. Tại Mỹ năm 2018, chi phí chăm sóc sức khỏe do TLĐT ước tính 15,1 tỷ USD (1,3 tỷ cho nhóm chỉ dùng TLĐT, 13,8 tỷ cho nhóm dùng kết hợp). Tại Úc, chi phí y tế tương lai cho người mới hút TLĐT ước tính 179,6 triệu AUD/năm. Khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, nếu tác hại từ TLĐT chiếm 10% tổng chi phí hút thuốc lá truyền thống, thiệt hại kinh tế có thể thêm 42 tỷ USD. Những ước tính sơ bộ này gợi ý gánh nặng kinh tế tiềm tàng đáng kể từ chi phí chăm sóc sức khỏe do tác hại của TLĐT.
HẬU QUẢ XÃ HỘI
  • Tác hại đối với xã hội đáng quan ngại nhất là thiết kế của các sản phẩm TLĐT, TLNN và các hình thức quảng bá hấp dẫn, dẫn dắt thế hệ người sử dụng nicotine mới, đặc biệt là thanh thiếu niên và nữ giới. Các sản phẩm TLĐT thế hệ mới đa phần sử dụng muối nicotine nồng độ cao, dễ được hấp thu, giảm kích ứng họng và dễ đưa được hàm lượng nicotine cao vào một sản phẩm kích cỡ nhỏ. Hiện nay nhiều sản phẩm có thể cho phép hút tới 3.000, 5.000 hay 8.000 lần. Muối nicotine là yếu tố chính dẫn tới tỷ lệ sử dụng TLĐT cao trong giới trẻ, ở một số nước thậm chí còn cao hơn ở người trưởng thành. Có bằng chứng đáng kể cho thấy TLĐT có nicotine gây nghiện ở người không hút thuốc và người trẻ dùng TLĐT có khả năng bắt đầu hút thuốc lá cao gấp 3 lần.
  • Tình trạng người sử dụng kép (cả TLĐT, TLNN và thuốc lá điếu) phổ biến ở nhiều quốc gia. Hầu hết người sử dụng TLĐT để cai thuốc lá đều không bỏ được thuốc lá mà tiếp tục sử dụng đồng thời cả hai loại. Với TLNN, người từng sử dụng sản phẩm này cũng có nhiều khả năng tái nghiện hơn.
  • Năm 2021, tỷ lệ hiện sử dụng TLĐT ở học sinh phổ thông lớp 8-12 (13-17 tuổi) ở Tp. Hà Nội là 8,4%, trong đó 45% chưa bao giờ hút thuốc lá điếu (người dùng mới); 3,2% học sinh 13-17 tuổi sử dụng đồng thời TLĐT và thuốc lá điếu (người dùng kép)
  • TLĐT có thể tăng nguy cơ sử dụng ma túy do người dùng có thể tự pha chế dung dịch, pha trộn các chất cấm như cần sa tổng hợp, ketamin, heroin vào thuốc lá, đặc biệt là ở giới trẻ. Đặc biệt Bộ Công An đã phát hiện một số trường hợp cả các đơn vị tư nhân nhập lậu linh kiện sản phẩm, chủ động pha trộn ma túy vào các sản phẩm TLĐT trước khi bán. Từ năm 2022, Việt Nam ghi nhận một loạt các ca bệnh điển hình nhập viện do người sử dụng hút TLĐT có phối trộn ma túy; Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận gần 130 trường hợp nhập viện bị ngộ độc sau khi sử dụng TLĐT trong đó có ngộ độc ma túy năm 2022, 2023. Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, tình trạng mua bán, sử dụng TLĐT pha trộn, tẩm ma túy (cần sa tổng hợp) đang diễn biến phức tạp, đặc biệt trên mạng; đối tượng chủ yếu là giới trẻ. Số vụ, đối tượng, tang vật bị phát hiện, bắt giữ tăng mạnh qua các năm, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
  • Các nguy cơ khác khiến tác hại của TLĐT cao hơn so với thuốc lá điếu là: nồng độ nicotine cao hơn; khối lượng chất lỏng/dung dịch lớn hơn; tình trạng ghi nhãn không đầy đủ; thiếu bao bì chống trẻ em; thời gian sử dụng lâu hơn thuốc lá điếu: một điếu TLĐT có thể hút nhiều nghìn lần.
CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI THUỐC LÁ MỚI VÀ TÁC ĐỘNG
  • Báo cáo tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung lần thứ 6 và 7 (COP7) đã nêu: “tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe. Việc tuyên truyền TLNN ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá điếu thông thường sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của TLNN”. WHO kêu gọi các quốc gia cần ngăn ngừa việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của các sản phẩm này. Nếu các quốc gia lựa chọn quản lý các sản phẩm này như thuốc lá thì cần đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả được quy định trong Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá thay vì sử dụng các sản phẩm mới được quảng cáo là ít có hại.
  • Tại Hội nghị COP 8, WHO khuyến cáo: việc cho phép các sản phẩm mới sẽ làm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này, dẫn tới nghiện nicotine và sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở giới trẻ. Các bên tham gia cần cân nhắc ưu tiên áp dụng các biện pháp để ngăn chặn sự bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm ở cấp độ cao nhất là ban hành quy định cấm.
  • Với TLĐT, các khung pháp lý bao gồm: (1) cấm hoàn toàn bao gồm cả cấm sử dụng, cấm bán, nhập khẩu, quảng cáo; (2) cấm bán (kèm theo cấm nhập khẩu, sản xuất và quảng cáo), không cấm sử dụng; (3) quản lý nghiêm dưới dạng dược phẩm dùng cho mục đích cai nghiện thuốc lá; (4) quản lý như sản phẩm thuốc lá, áp dụng một/một số biện pháp kiểm soát theo công ước khung WHO FCTC, trong đó có áp dụng hạn chế (cấm bán tất cả các sản phẩm có hương vị hoặc cấp phép chặt chẽ cho một vài sản phẩm có hương vị và không có hương vị); và (5) một số quốc gia khác chưa có khung pháp lý/đang xây dựng khung pháp lý. Đến tháng 7/2024, ít nhất 42 quốc gia cấm bán thuốc lá điện tử có nicotine, trong đó có 5 quốc gia thuộc ASEAN. Số quốc gia cấm bán TLĐT đã gia tăng nhanh từ 26 quốc gia năm 2015. 87 quốc gia quản lý thuốc lá điện tử có chứa nicotine. 74 quốc gia không có quy định pháp lý về TLĐT có chứa nicotin, trong đó có Việt Nam.
  • Với TLNN, các khung pháp lý bao gồm: 1) cấm hoàn toàn bao gồm cả cấm sử dụng, cấm bán, nhập khẩu, quảng cáo; (2) cấm bán (kèm theo cấm nhập khẩu, sản xuất và quảng cáo), không cấm sử dụng; (3) quản lý như là sản phẩm thuốc lá mới áp dụng một/một số biện pháp kiểm soát theo công ước khung WHO FCTC, quản lý như là thuốc lá thông thường, quản lý dành cho thuốc lá không khói, quản lý như với TLĐT; quản lý khác; và (4) một số quốc gia khác chưa có khung pháp lý/đang xây dựng khung pháp lý. Đến tháng 7/2024, ít nhất 19 quốc gia cấm bán TLNN, trong đó có 5 quốc gia thuộc ASEAN.
  • Những thách thức trong quy định và thực thi chính sách về TLĐT, TLNN: Dù lựa chọn chính sách (1) hạn chế hay (2) quản lý thuốc lá mới, các quốc gia đều gặp một số thách thức trong việc thực thi, khả năng ứng phó với tiến bộ công nghệ đổi mới sản phẩm, trong kiểm soát quảng cáo, bán hàng trực tuyến và năng lực quản lý, cấp phép hay giám sát cũng như yêu cầu đầu tư nguồn lực cao cho công tác quản lý nhà nước trong bối cảnh: Thương mại xuyên biên giới và bán hàng trực tuyến gia tăng; Thiếu tiêu chuẩn hóa sản phẩmNguồn lực và chuyên môn của các Chính phủ hạn chế; Khó khăn trong giám sát thị trường do số lượng các sản phẩm thuốc lá lớn và đa dạng về chủng loại. Ở nhiều quốc gia, sau khi cho phép quản lý đã chứng kiến sự gia tăng tỷ lệ sử dụng rất nhanh chóng trong giới trẻ, phải chuyển từ quản lý sang cấm một số loại TLĐT hoặc áp dụng quy định quản lý rất nghiêm ngặt (Mỹ, Úc).
  • Tác động của chính sách: Phân tích kết quả Khảo sát Sử dụng Thuốc lá ở giới trẻ toàn cầu tại 75 quốc gia (2015-2019) cho thấy các quốc gia cấm bán TLĐT có tỷ lệ sử dụng TLĐT ở học sinh 13-15 tuổi thấp hơn nhiều so với các quốc gia cho phép bán và giới hạn độ tuổi đối với thanh thiếu niên. Trong khu vực ASEAN, Singapore và Campuchia là 2 quốc gia thành công trong giảm tỷ lệ sử dụng TLĐT và TLNN ở cả người lớn và trẻ em thông qua chính sách cấm. Tỷ lệ sử dụng TLĐT ở Campuchia đã giảm từ 2,4% còn 0,9% ở trẻ em (2022), ở người trưởng thành là 0,02% vào năm 2021; Tỷ lệ sử dụng TLNN ở trẻ em là 0,5% (2022), ở người lớn chỉ ghi nhận số lượng rất ít các trường hợp sử dụng TLNN.
  • Kinh nghiệm thành công ở Singapore và Campuchia cho thấy: để quy định cấm thực sự phát huy có hiệu quả, cần có sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan thực thi pháp luật để ngăn chặn việc mua bán, cung cấp, vận chuyển TLĐT, TLNN nhập lậu qua cửa khẩu; ngăn chặn việc mua bán, tàng trữ, cung cấp, vận chuyển TLĐT, TLNN thị trường nội địa; Đầu tư nguồn lực để cải thiện khả năng phát hiện và gỡ bỏ các hoạt động bán hàng và quảng cáo TLĐT, TLNN trực tuyến; tăng cường giáo dục, huy động sự tham gia của cộng đồng trong giám sát, phát hiện và ngăn chặn trẻ em mua và sử dụng TLĐT và TLNN từ các nguồn cung bất hợp pháp
  • Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam: Biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh TLĐT và TLNN sẽ hiệu quả hơn so với biện pháp hạn chế hay cho phép lưu hành nhưng quản lý chặt chẽ. Các lý do chính bao gồm: (1) nếu chỉ quản lý mà không cấm, sẽ rất khó kiểm soát hoàn toàn các hoạt động quảng cáo, bán hàng online, nhập lậu, tiếp cận của giới trẻ. Điều này sẽ dẫn đến gia tăng nhanh tỷ lệ sử dụng ở giới trẻ, tạo ra thế hệ nghiện nicotin mới. (2) Biện pháp quản lý đòi hỏi đầu tư nguồn lực lớn để thực thi nhiều quy định phức tạp, gây gánh nặng cho chính phủ. Trong khi đó, cấm hoàn toàn sẽ đơn giản và dứt khoát hơn. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an đã có văn bản khẳng định sự khó khăn trong việc kiểm soát các chất ma túy và gây nghiện khác có thể pha trộn vào TLĐT và TLNN. Mặt khác, trên thực tế, cho đến hiện nay chưa có một phòng xét nghiệm độc lập nào ở Việt Nam có thể xét nghiệm các chất trong thuốc lá điếu. Cả nước chỉ có phòng xét nghiệm của Viện thuốc lá thuộc Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam có thể kiểm nghiệm được 2 chất là Tar và Nicotin trong khói thuốc lá điếu. Điều này cho thấy năng lực quản lý của nước ta không đủ để bảo đảm thực thi phương án quản lý TLĐT, TLNN. (3) Nhiều nước cho phép lưu hành với các quy định hạn chế đã không thành công ngăn chặn việc sử dụng TLĐT và TLNN ở giới trẻ gia tăng. Điều này cho thấy biện pháp quản lý có nhiều rủi ro, khó kiểm soát.
ĐỀ XUẤT BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN THUỐC LÁ MỚI
- Trước mắt Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối, bán và quảng cáo, khuyến mại TLĐT, TLNN ở tất cả các dạng ở Việt Nam. Trong thời gian tới, các quy định này cần được nghiên cứu luật định khi sửa Luật phòng chống tác hại của thuốc lá.
- Chính phủ quy định trách nhiệm của các bộ ngành liên ngành và cộng đồng trong tăng cường hiệu lực thực thi quy định cấm. Vận dụng kinh nghiệm thành công và chưa thành công của một số quốc gia trong khu vực và quốc tế trong thực thi quy định ngăn chặn thuốc lá mới, cần thực hiện các biện pháp sau:
Các điều kiện để thực hiện thành công chính sách cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo TLĐT, TLNN và các loại thuốc lá mới khác:
(1) Truyền thông, giáo dục:
Xây dựng tài liệu truyền thông và tổ chức truyền thông thông nhằm nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, các nhóm đối tượng thực thi pháp luật, và người dân về: (1) tác hại của việc hút TLĐT, TLNN và các loại thuốc lá mới khác, (2) chiến lược thu hút người sử dụng mới của ngành công nghiệp thuốc lá, (3) nhận diện sản phẩm thuốc lá mới và vai trò ngăn chặn thuốc lá mới của mỗi bên.
- Truyền thông đại chúng về tác hại của TLĐT, TLNN và các loại thuốc lá mới khác và nhận diện sản phẩm độc hại này trên các nền tảng phù hợp, đặc biệt với giới trẻ.
- Ở cấp độ toàn dân, phát động chiến dịch cộng đồng nói không với TLĐT, TLNN và các sản phẩm thuốc lá mới khác các sản phẩm thuốc lá mới khác, nhà trường nói không với thuốc lá mới.
- Giáo dục các nhóm dân số đích gồm học sinh, phụ huynh, giáo viên để tăng cường nhận diện sản phẩm và ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng ở giới trẻ.
(2) Quy định các biện pháp thực thi nhằm ngăn chặn việc mua bán, cung cấp, nhập lậu và quảng cáo TLĐT, TLNN và thuốc lá mới khác
  • Quy định mức xử phạt các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, nhập lậu, sản xuất, quảng cáo TLĐT, TLNN và thuốc lá mới khác.
  • Quy định trách nhiệm và phối hợp liên ngành giữa các cơ quan thực thi pháp luật để ngăn chặn việc mua bán, cung cấp, vận chuyển TLĐT, TLNN và thuốc lá mới nhập lậu qua cửa khẩu.
  • Quy định trách nhiệm và phối hợp liên ngành giữa các cơ quan thực thi pháp luật để ngăn chặn việc mua bán, tàng trữ, cung cấp, vận chuyển TLĐT, TLNN và thuốc lá mới ở thị trường nội địa.
  • Đầu tư nguồn lực để cải thiện khả năng phát hiện và gỡ bỏ các hoạt động bán hàng và quảng cáo trực tuyến TLĐT, TLNN và thuốc lá mới khác; Phát huy vai trò của người dân trong phát hiện các hoạt động bán hàng và quảng cáo thuốc lá mới trực tuyến; Quy định trách nhiệm và phối hợp liên ngành giữa các cơ quan thực thi pháp luật và người dân trong phát hiện và gỡ bỏ các hoạt động bán hàng và quảng cáo TLĐT, TLNN trực tuyến.
  • Tăng cường thực thi các biện pháp nhằm ngăn chặn việc sử dụng TLĐT, TLNN và thuốc lá mới khác ở thanh thiếu niên, học sinh trong cộng đồng; Giám sát hành vi hút TLĐT, TLNN và thuốc lá mới khác trong các trường học.
  • Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán TLĐT, TLNN và thuốc lá mới khác.
(3) Hỗ trợ cai nghiện cho người sử dụng, thiết kế dịch vụ hỗ trợ cai nghiện phù hợp cho vị thành niên, thanh niên sử dụng thuốc lá mới nhằm giảm thiểu nguy cơ và tác hại nghiêm trọng của nghiện nicotine ở vị thành niên và thanh niên.
 

 

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: Bích Thiện (tổng hợp từ nguồn Bộ Y tế)