Quá tuổi nhưng chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi vẫn có thể tiêm bổ sung

Thứ sáu - 06/09/2024 14:18
Trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đã triển khai tiêm vắc-xin sởi cho trẻ đủ 9 tháng tuổi và mũi vắc-xin sởi - rubella tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi ở trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực hàng tháng, nếu đã qua số tuổi quy định vẫn chưa tiêm, có nhu cầu tiêm phòng bệnh sởi. Theo đó, trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên đến người lớn tuổi có thể tiêm vắc-xin ngừa sởi, quai bị, rubella tại các điểm tiêm chủng dịch vụ và phải tốn phí.
Tiêm vắc-xin là biện pháp tốt nhất phòng bệnh sởi cho trẻ.
Tiêm vắc-xin là biện pháp tốt nhất phòng bệnh sởi cho trẻ.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút sởi gây nên. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây thành dịch và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp do trẻ lành hít phải dịch tiết mũi họng bắn ra, khuyếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi, họng của trẻ bệnh. Biểu hiện chính của bệnh là sốt, phát ban, trẻ thường sốt cao, khi sốt giảm sẽ xuất hiện ban dạng sẩn. Một số biểu hiện kèm theo như chảy nước mũi, ho, đỏ mắt, tiêu chảy.
Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm: viêm tai giữa cấp, viêm phổi nặng, có thể dẫn đến tử vong, viêm não, tiêu chảy và ói mửa, mờ hoặc loét giác mạc, có thể mù lòa, suy dinh dưỡng nặng.
Tất cả người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Nhóm có nguy cơ mắc sởi là: Trẻ nhỏ do không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vắc-xin. Trẻ đã tiêm vắc-xin nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch; thanh niên do chưa từng mắc sởi hoặc chưa tiêm vắc-xin trước đây. Đối với trẻ chưa tiêm vắc-xin, để phòng bệnh không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với trẻ mắc bệnh sởi hoặc nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay và vệ sinh thân thể cho trẻ, rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

Tác giả bài viết: Theo Hồng Diễm (Báo Hậu Giang)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
[SITE_BTN_TOOL]