TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HẬU GIANG - CDC HẬU GIANG

https://www.cdchaugiang.org.vn


Người dân không được chủ quan, thờ ơ với nguy hiểm từ bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang ngày càng diễn biến phức tạp, có thể đe dọa và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Phóng viên Báo Hậu Giang đã có cuộc trao đổi với Ths.Bs Trương Tỷ (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, để giúp người dân hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Trước tiên, xin ông cho biết, tình hình bệnh SXH trên địa bàn tỉnh đang diễn ra như thế nào ?                 

- Tính đến ngày 15-8, toàn tỉnh ghi nhận 298 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 156% so cùng kỳ 2018, không trường hợp tử vong. 8/8 huyện, thị xã và thành phố đều xuất hiện cas SXH và tăng so cùng kỳ năm trước. Các huyện có số cas bệnh cao gồm Phụng Hiệp, Châu Thành và Châu Thành A lần lượt là 78, 68 và 60 trường hợp. Đặc biệt, trong tháng 7 vừa qua, có số trường hợp mắc SXH cao nhất từ đầu năm đến nay với 80 cas, tăng gấp 2 lần tháng 6 và tăng gấp 3-4 lần những tháng trước.

Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân khiến bệnh SXH ngày càng gia tăng ?

- Bệnh SXH Dengue là bệnh nhiễm vi-rút Dengue cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch lớn. Đây là bệnh dịch lưu hành ở Việt Nam, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Bắc bộ và vùng ven biển miền Trung. Ở miền Nam và miền Trung, bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng phát triển nhiều nhất vào các tháng 7, 8, 9, 10. Lý do vào mùa mưa muỗi vằn có khả năng phát triển mạnh khi độ ẩm và nhiệt độ cao.

Ngoài ra, vào mùa mưa nếu xảy ra trường hợp ngập úng, gây vùng nước đọng là môi trường thuận lợi cho muỗi và vi-rút sinh sôi, dẫn đến nguy cơ truyền bệnh cao. Muỗi cũng có thể trú ngụ và sinh sản, phát triển trong các vật liệu phế thải chứa nước, như vỏ đồ hộp, hộp lon, chai lọ, chậu bỏ không... Đặc biệt, nếu người dân không thường xuyên vệ sinh nước trong cốc, chén để trên bàn thờ hay lọ cắm hoa, chậu cảnh, cũng là các địa điểm lý tưởng để muỗi vằn sinh nở.

Bệnh SXH gần đây xuất hiện nhiều ở người trên 15 tuổi, có trường hợp bị choáng,… ông có thể cho biết những thông tin cụ thể về mức độ nguy hiểm mà SXH mang lại ?

- Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi rút Dengue đều có thể bị mắc SXH. Ở vùng bệnh lưu hành nặng như miền Nam, tỷ lệ mắc bệnh của trẻ em dưới 15 tuổi thường cao hơn. Riêng các vùng khác khả năng SXH trẻ em và người lớn là như nhau. Tại tỉnh Hậu Giang, theo số liệu thu thập từ đầu năm đến nay, đa số các trường hợp mắc SXH là dưới 15 tuổi chiếm 84,9%; số trường hợp mắc SXH ở người trên 15 tuổi là 15,1% và tỷ lệ choáng chiếm 0,67%.

Bệnh SXH Dengue thường có biểu hiện rất cấp tính như sốt cao đột ngột, kéo dài 2-7 ngày. Đi kèm là các triệu chứng đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp. Đồng thời, có biểu hiện xuất huyết ở các mức độ khác nhau như, da đỏ xung huyết, ban xuất huyết, đốm xuất huyết, chảy máu chân răng, chảy máu mũi… Những trường hợp bệnh nặng, khi tiến triển dẫn tới tình trạng sốc, có biểu hiện vật vã, li bì, mạch nhanh, huyết áp tụt, hôn mê và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, người mắc SXH cần phải được chăm sóc, theo dõi cẩn thận để phát hiện sớm các dấu hiệu nguy hiểm. Lưu ý, thường ngày thứ tư, bệnh nhân sẽ dễ xảy ra tình trạng sốc hoặc chảy máu nhiều vị trí như chân răng, mũi và tiêu phân máu…

Người dân nên thường xuyên kiểm tra các dụng cụ chứa nước để phát hiện và hạn chế lăng quăng, giúp phòng bệnh SXH.

Ngành y tế có khuyến cáo gì đến người dân để hạn chế bệnh SXH, thưa ông ?

- Hiện nay, mùa mưa là thời tiết thuận lợi để muỗi phát triển và dịch bệnh lây lan. Vì vậy, mỗi cá nhân, mỗi gia đình cần nâng cao ý thức cảnh giác, tự phòng bệnh. Bằng các biện pháp phòng tránh muỗi đốt, như tiến hành thu gom các vật dụng phế thải, vỏ chai lọ, mảnh vỡ xung quanh nhà để tránh nước tồn đọng lâu ngày. Thường xuyên thay nước trong các bình hoa, thả muối hoặc cá ăn lăng quăng hạn chế muỗi sinh sản. Đậy kín và thường xuyên cọ rửa các dụng cụ chứa nước hoặc úp nếu không sử dụng để muỗi không có môi trường đẻ trứng. Mắc mùng khi ngủ, dùng bình xịt diệt muỗi, kem chống muỗi, nhang muỗi, vợt điện diệt muỗi… Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, quét dọn và lau chùi khô ráo, phun hóa chất diệt muỗi quanh nơi ở.

Mọi người nên chủ động phòng ngừa SXH bằng cách loại bỏ các môi trường sinh sản của muỗi, nhằm bảo vệ bản thân và gia đình. Khi phát hiện bệnh kịp thời, sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí điều trị, cũng như hạn chế những tình huống xấu nhất có thể xảy ra, gây ảnh hưởng sức khỏe người bệnh.

Xin cảm ơn ông !

HỒNG NHUNG thực hiện

Nguồn tin: www.baohaugiang.com.vn