TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HẬU GIANG - CDC HẬU GIANG

https://www.cdchaugiang.org.vn


Chung tay đảm bảo an toàn thực phẩm

Xu hướng canh tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong nông nghiệp ở Hậu Giang dần lan tỏa mạnh. Từ đây, góp phần loại trừ thực phẩm kém chất lượng và tăng cường sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Cơ sở sản xuất trà mãng cầu Phụng Phát chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm từ nguồn nguyên liệu đến thành phẩm.

Thay đổi xu hướng sản xuất

Trước mối lo về thực phẩm kém chất lượng trên thị trường, người tiêu dùng có xu hướng chọn lựa kỹ lưỡng khi mua thực phẩm phục vụ mâm cơm gia đình. Các mô hình canh tác nông sản theo hướng hạn chế phân, thuốc, đảm bảo an toàn thực phẩm đang trở thành phong trào lan tỏa rộng trong tỉnh. Chị Lê Thị Thưởng, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, thông tin: “Mỗi khi đi chợ mua thực phẩm, tôi rất quan tâm chất lượng hàng hóa. Do vậy, tôi thường tìm mua rau, quả ở những chỗ quen biết. Gia vị thì tìm mua ở cửa hàng uy tín hoặc siêu thị. Mua những chỗ như thế mình cũng yên tâm hơn”.

Theo ngành chức năng, vài năm trở lại đây, nhiều nơi nông dân đang học hỏi quy trình sản xuất an toàn, hạn chế phân, thuốc, hướng đến việc cung cấp ra thực phẩm, nông sản an toàn, đạt chất lượng cho người tiêu dùng. Cơ sở sản xuất trà mãng cầu Phụng Phát, ở xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, đã hoàn chỉnh trang thiết bị và đi vào hoạt động từ năm 2018. Hưởng ứng xu thế sản xuất, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm, chị Lê Kim Phụng Em, chủ cơ sở đã kết nối với các hộ dân đưa ra yêu cầu để có được nguồn nguyên liệu cách ly thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch và sơ chế.

Bà Hà Thị Phượng, ở ấp 2, xã Thuận Hòa, đang cung cấp nguyên liệu đầu vào cho cơ sở sản xuất trà mãng cầu Phụng Phát. Số lượng cung ứng mỗi đợt khoảng 200-300kg. Bà Phượng cho biết: “Tôi xử lý ra hoa để có trái bán quanh năm. Mãng cầu ít bệnh nên hạn chế phun thuốc. Trước khi thu hoạch tôi đều cách ly 10-13 ngày để đảm bảo an toàn”.

Trung bình mỗi ngày cơ sở trà mãng cầu Phụng Phát cung ứng cho thị trường từ 20-50kg thành phẩm trà cho trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm cũng được tham gia vào các cuộc trưng bày giới thiệu sản phẩm. “Việc thu mua nguyên liệu được cân nhắc kỹ, chỉ chọn và mua của nông dân mình tin tưởng. Yêu cầu tôi đặt ra cho họ là cung cấp mãng cầu phải đạt chất lượng, trái phải được cách ly thuốc trước khi thu hoạch. Công nhân làm việc ở cơ sở cũng được xác nhận và khám sức khỏe theo đúng quy định. Quy trình sản xuất có bảo hộ, đảm bảo sạch sẽ theo yêu cầu”, chị Lê Kim Phụng Em chia sẻ.

Phong trào canh tác hạn chế phân, thuốc; sản xuất, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm cho thấy người dân đang thay đổi dần tập quán canh tác cho phù hợp với xu thế. Theo ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh, sau chuỗi rau màu, ngành chức năng đang chuẩn bị xây dựng quy trình chuỗi trên xoài cát Hòa Lộc; hướng tới dự kiến tiếp tục trên cá thát lát, trên cam xoàn khi có kinh phí.

Vì an toàn thực phẩm

Mới đây, UBND tỉnh đã phát động Tháng cao điểm hành động vì vệ sinh an toàn thực phẩm. Tháng hành động gắn với 5 tiêu chí là tại 100% xã, phường, thị trấn tổ chức các đợt sinh hoạt ở xã, nâng cao kỹ năng cho người dân sản xuất thực phẩm an toàn. 100% các vụ vi phạm về vận chuyển gia súc, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc được xử lý đúng pháp luật. Đảm bảo các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp có bếp ăn tập thể thực hiện ký cam kết chấp hành đầy đủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người. Trên 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống được phổ biến những nội dung cơ bản của Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15 của Chính phủ (chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm) và các văn bản hướng dẫn về an toàn thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang mong muốn các cơ quan, các cấp, các ngành tăng cường hơn nữa các nhiệm vụ liên ngành trong tập huấn, hướng dẫn kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đẩy mạnh hơn việc minh bạch thông tin, hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm, các cơ sở sản xuất thực phẩm đạt tiêu chí an toàn đến quần chúng nhân dân. Thông qua buổi lễ phát động này sẽ đem lại hiệu quả tích cực. Nhất là nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Không để ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm mất an toàn, thực phẩm giả, kém chất lượng, nhất là trong các bếp ăn tập thể, các trường học. Nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện tố giác những hành vi sản xuất buôn bán thực phẩm giả, kém chất lượng. Tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình, bảo vệ cộng đồng trước những tác hại của thực phẩm mất an toàn.

Phát biểu tại buổi lễ phát động Tháng cao điểm hành động vì vệ sinh an toàn thực phẩm mới đây, ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành y tế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, tổ chức, đoàn thể, trường học, các cơ quan báo chí, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn thực phẩm đến người dân. Yêu cầu các tổ chức doanh nghiệp, cơ sở thực phẩm thực hiện đúng quy định về an toàn thực phẩm, ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh phát triển vùng và hộ dân sản xuất, nuôi, trồng, sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn. Tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc; kiên quyết xử lý các vụ vi phạm về vận chuyển, buôn lậu, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan liên quan cần có giải pháp quản lý chặt chẽ việc sản xuất; vận chuyển, bảo quản, chế biến và tiêu thụ thực phẩm trên địa bàn Hậu Giang.

Nguồn tin: www.baohaugiang.com.vn