Dịch tả heo châu Phi đang lây lan rất nhanh
- Thứ sáu - 21/06/2019 09:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi Hậu Giang đối mặt với những khó khăn từ dịch bệnh trên gia súc, đặc biệt là bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện đã gây thiệt hại nặng nề. Dù triển khai nhiều biện pháp cấp bách ứng phó, khống chế nhưng dịch bệnh này vẫn đang lây lan nhanh. Phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc phỏng vấn ông Ngô Minh Long (ảnh), Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, xoay quanh vấn đề này.
Thưa ông, ngành nông nghiệp có nhận định như thế nào về diễn biến dịch tả heo châu Phi ở Hậu Giang thời gian qua ?
- Dịch tả heo châu Phi diễn biến rất nhanh và xu hướng chưa dừng lại. Tính đến nay, đã có 8/8 đơn vị hành chính của tỉnh xuất hiện dịch tả heo châu Phi với gần 5.500 con heo nhiễm bệnh và tiêu hủy. Nếu ước tính giá bình quân 38.000 đồng/kg thì thiệt hại khoảng 13 tỉ đồng.
Đến nay dịch tả heo châu Phi đã có mặt ở 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Trước tình hình như thế, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác phòng chống dịch bệnh, các văn bản đến gần như liên tục. Hiện nay, dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại; số heo mắc bệnh và tiêu hủy 2,95% trên tổng đàn heo của tỉnh. Cá biệt, huyện Châu Thành đã tiêu hủy 25,6%, Ngã Bảy 15,19%. Chúng tôi đã xây dựng kịch bản có khả năng phải tiêu hủy lên tới gần 30% tổng đàn của Hậu Giang. Nếu kịch bản này xảy ra thì tạm tính trên 123 tỉ đồng tiền hỗ trợ.
Theo ông, dù rất nỗ lực khống chế, kiểm soát, nhưng vì sao dịch tả heo châu Phi vẫn lây lan nhanh ?
- Đối với dịch tả heo châu Phi trên thế giới cũng xuất hiện ở nhiều nước và được cảnh báo trong ngành chăn nuôi từ sớm. Đây là bệnh mới ở Việt Nam nên người dân còn chủ quan, chưa tin vào thông tin báo, đài tuyên truyền nên khi xuất hiện dịch bệnh hộ nuôi mới thấy bất ngờ. Đặc biệt, ở Hậu Giang chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, cho ăn thức ăn thừa. Sau đợt dịch tả châu Phi này, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ chắc chắn sẽ thiệt hại rất lớn và khả năng khó gây dựng đàn trở lại.
Thời gian tới, không còn cách nào khác là các cấp, các ngành quyết liệt hơn nữa trong chống dịch bằng cách xử lý nhanh khi ổ dịch xảy ra. Chúng tôi khuyến cáo bà con chăn nuôi tuân thủ nghiêm các biện pháp an toàn sinh học; cách ly các nguồn có khả năng lây bệnh. Những hộ nuôi có heo bệnh, heo chết bị tiêu hủy không thả giống lại trước khi có thông tin của ngành chức năng. Bởi theo kinh nghiệm của quốc gia lân cận, khi đã xử lý xong ổ dịch tả heo châu Phi sau 4 tháng người nuôi tái đàn lại thì chỉ trong 7 ngày sau heo tiếp tục chết. Nên đối với đồng bằng sông Cửu Long cũng như Hậu Giang thì trong giai đoạn hiện nay ngành chức năng không khuyến cáo thả giống lại nên bà con hết sức lưu ý.
Giải pháp nào để giúp người dân tiêu thụ thịt heo trong vùng dịch, thưa ông ?
- Do đây là dịch bệnh mới, gây chết nhanh, hiện chưa thể phỏng đoán được khi nào mới kết thúc đợt dịch này. Ở những vùng khoanh dịch, sản lượng heo rất lớn. Trước đây, Bộ NN&PTNT cũng có văn bản thống nhất chủ trương thực hiện buôn bán trong vùng dịch nhưng phải được sự giám sát chặt chẽ của ngành thú y. Các hộ dân muốn bán heo trong vùng dịch phải có kết quả phân tích âm tính thì mới được xuất bán ra ngoài như bình thường. Đây cũng là cái mới trong chỉ đạo và Hậu Giang đang quyết liệt thực hiện. Hiện nay, Bộ NN&PTNT có hướng tiếp tục chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tế, bóc mẫu kiểm tra ở mức độ tương đối. Trên tinh thần là sẽ hỗ trợ người dân trong việc bán sản phẩm trong vùng dịch ra ngoài, nhưng phải có sự giám sát chặt chẽ của ngành chức năng và cơ quan thú y.
Ông có nhận xét như thế nào về công tác dập dịch ở địa phương ?
- Có thể nói, Hậu Giang làm rất tốt công tác chống dịch. Các ổ bệnh được xử lý nhanh gọn, hố chôn đạt yêu cầu. Hiện các hố chôn không bốc mùi, không ảnh hưởng đến cộng đồng bên ngoài. Tuy nhiên, Hậu Giang làm tốn kém kinh phí khá nhiều, vì có những hố sau khi lấp đất xong thấy chưa an tâm nên tiếp tục bơm cát lên cho đầy. Rút kinh nghiệm từ ổ dịch lớn ở xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, số lượng tiêu hủy lớn trên 1.084 con bị nổi lên, sau đó những ổ dịch nhỏ tỉnh có chỉ đạo cho phép sử dụng túi ni lông đưa vô từng con cuốn tròn rồi đưa xuống hố chôn. Giải pháp này giúp đảm bảo môi trường, hạn chế ảnh hưởng nguồn nước nên được khuyến cáo, có hướng đồng tình cao, phù hợp với vùng đất ngập nước của Hậu Giang.
Về kinh phí cũng như vật tư được chủ động như thế nào, thưa ông ?
- Hiện nay, kinh phí cho công tác phòng chống và dập dịch vẫn đảm bảo. Ngoài ra, dụng cụ, trang thiết bị chống dịch cũng được hỗ trợ kịp thời, UBND tỉnh cũng chỉ đạo cho mua máy phun công suất lớn để xử lý các ổ dịch. Chúng tôi đang tiếp tục rà soát kinh phí, trang thiết bị và thời gian tới dự kiến sẽ tiếp tục bổ sung một số dụng cụ chuyên dùng như máy gây choáng heo cho 8 đơn vị cấp huyện. Đồng thời, cũng tính phương án mua dụng cụ hỗ trợ chôn tiêu hủy hay phương án thuê đất không canh tác, chôn sau đó san lấp mặt bằng trả lại nguyên trạng…
Bên cạnh các biện pháp đã và đang triển khai ứng phó khẩn cấp với dịch tả heo châu Phi, tỉnh tiếp tục chỉ đạo xây dựng kịch bản 3 cấp tỉnh, huyện, xã cho phù hợp với từng đơn vị hành chính. Khi có dịch xảy ra thì các địa phương tập trung cao điểm để dập dịch nhanh gọn theo yêu cầu. Đến nay, Hậu Giang tuân thủ tuyệt đối về thời gian dập dịch tối đa là 24 tiếng đồng hồ.
Xin cảm ơn ông !
KỲ ANH thực hiện