Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: Tiến tới loại trừ nguy cơ trẻ nhiễm HIV từ mẹ
- Thứ tư - 29/05/2019 10:12
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tiếp cận sớm các dịch vụ xét nghiệm HIV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ đem lại nhiều lợi ích nhằm giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con, tiến đến loại trừ nguy cơ trẻ nhiễm HIV từ mẹ. Ông Võ Chí Đại (ảnh), Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, cho biết mục tiêu này sẽ được tiếp tục đẩy mạnh trong Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2019, diễn ra trong tháng 6.
Tiếp cận sớm các dịch vụ xét nghiệm HIV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ đem lại những lợi ích gì, thưa ông ?
- Ủy ban quốc gia Phòng chống HIV/AIDS và Phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã chỉ đạo triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con với mục tiêu của hoạt động này là tăng cường sự tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên phạm vi cả nước. Tỉnh cũng có kế hoạch triển khai tháng cao điểm từ ngày 1 đến 30-6.
Phụ nữ mang thai trong những tháng đầu của thai kỳ, việc tiếp cận sớm các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV sẽ có nhiều lợi ích. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, không nhiễm HIV thì phụ nữ mang thai sẽ được tư vấn về cách phòng tránh cho bản thân, cho chồng hoặc bạn tình không bị nhiễm HIV. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, nhiễm HIV, phụ nữ có quyền lựa chọn bỏ thai hay giữ thai. Nếu bỏ thai thì được hướng dẫn đến các cơ sở y tế tin cậy để được tư vấn, lựa chọn phương pháp bỏ thai phù hợp, an toàn. Nếu giữ thai, họ sẽ được cán bộ y tế tư vấn, hỗ trợ về tâm lý; tư vấn về nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con và các can thiệp dự phòng lây truyền; tư vấn phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ; thảo luận về việc thông báo kết quả xét nghiệm cho chồng, tư vấn xét nghiệm HIV cho chồng, đồng thời can thiệp bằng thuốc kháng HIV cho mẹ, để phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Sau khi sinh, dùng thuốc kháng HIV cho con để phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nếu phụ nữ mang thai được phát hiện nhiễm HIV và được tiếp cận các dịch vụ can thiệp sớm thì họ có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh không bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ.
Thời gian qua, hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV ở thai phụ mang thai đang được tỉnh triển khai như thế nào, đạt hiệu quả ra sao, thưa ông ?
- Tỉnh đã triển khai dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai tại tất cả các cơ sở sản khoa trong toàn tỉnh, bao gồm: Khoa sản thuộc bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố, thị xã và các huyện. Khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản thuộc trung tâm y tế thành phố, thị xã và các huyện.
Các đơn vị này cung cấp dịch vụ chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho các phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV, bao gồm: điều trị dự phòng cho mẹ, cho trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV, tư vấn nuôi dưỡng trẻ và sữa ăn thay thế sữa mẹ trong vòng 6 tháng, giới thiệu chuyển tiếp đến phòng khám và điều trị chuyên khoa HIV/AIDS cho mẹ và cho con.
Từ năm 2012 đến nay, dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện cho phụ nữ mang thai được triển khai đến tận các trạm y tế xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, vì đây là nơi quản lý và khám thai định kỳ cho thai phụ ở địa phương. Kết hợp với các đợt tiêm ngừa uốn ván cho thai phụ để tư vấn và lấy mẫu máu gửi lên trung tâm y tế huyện, thị, thành phố làm xét nghiệm HIV.
Từ năm 2012 đến nay, số phụ nữ mang thai nhiễm HIV là 6 người và đã được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai thời gian qua gặp những khó khăn gì, thưa ông ?
- Bên cạnh những thành công thời gian qua thì công tác điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con còn gặp không ít khó khăn, tồn tại. Công tác xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai còn thực hiện ở giai đoạn muộn của thai kỳ, đặc biệt có những trường hợp xét nghiệm phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV trong lúc chuyển dạ nên can thiệp và điều trị thường muộn.
Nhận thức tầm quan trọng của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nói chung và phụ nữ mang thai nói riêng về tầm quan trọng của việc xét nghiệm HIV còn hạn chế, nên ảnh hưởng đến việc tự nguyện xét nghiệm HIV. Ngân sách chương trình còn hạn chế, bị cắt giảm nhiều ảnh hưởng đến hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nói chung và xét nghiệm HIV cho thai phụ nói riêng.
Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm nay có chủ đề: “Mẹ không có HIV - Con không nhiễm HIV”, sẽ được triển khai với các hoạt động trọng tâm nào, thưa ông ?
- Trong Tháng cao điểm sẽ tăng cường hoạt động truyền thông, vận động, tổ chức các hội nghị, hội thảo. Đồng thời, quyết liệt triển khai toàn diện các dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm, chẩn đoán về chăm sóc, điều trị. Theo dõi tải lượng HIV của phụ nữ nhiễm HIV có nhu cầu sinh con và phụ nữ mang thai nhiễm HIV, can thiệp kịp thời để tải lượng HIV đạt dưới ngưỡng ức chế (hoặc dưới ngưỡng phát hiện) để đảm bảo giảm tối đa tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Hoạt động dự phòng, can thiệp giảm tác hại sẽ ưu tiên tập trung các địa bàn có tình hình người nhiễm HIV và có nguy cơ xuất hiện dịch HIV cao. Triển khai đồng bộ các can thiệp từ dự phòng đến điều trị cho đối tượng, như truyền thông thay đổi hành vi, mở rộng phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị methadone.
Tháng cao điểm nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện mục tiêu “Giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020” đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Xin cảm ơn ông !
HỒNG DIỄM thực hiện