Bảo vệ bản thân trước dịch bệnh Covid-19
- Thứ sáu - 14/02/2020 14:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chế độ dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo an toàn thực phẩm và tập luyện thể dục, thể thao đúng cách, sinh hoạt khoa học sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, góp phần phòng ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra. Đây là khuyến cáo được các thầy thuốc tỉnh chia sẻ.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, thực phẩm chức năng không thể thay thế hoàn toàn nhóm thực phẩm tự nhiên.
Dinh dưỡng, tập luyện đúng cách
Theo khuyến cáo của ngành y tế, để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19, các bà nội trợ cần lưu ý khi lựa chọn thực phẩm cho gia đình mình. Bà Phan Thị Diễm Thúy, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, khuyên: “Khi đi mua thực phẩm, người dân nên sử dụng găng tay, khẩu trang. Không sử dụng thịt vật nuôi bị oi, hỏng, tránh xa khu vực chứa chất thải và nước thải trong chợ. Tuyệt đối không tiếp xúc, sử dụng thịt động vật chết do bị bệnh vì đây là những nguồn gây bệnh nguy hiểm. Người dân cần rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn có cồn ngay sau khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm và các loại thịt sống để tránh mang mầm bệnh về nhà”.
WHO và Bộ Y tế khuyến cáo cách sử dụng thực phẩm để đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, khi chế biến các sản phẩm thịt, trứng gia cầm tại nhà nên sử dụng tạp dề, găng tay, khẩu trang. Sử dụng dao và thớt riêng khi nấu ăn để tránh nhiễm chéo từ thực phẩm sống sang thực phẩm chín. Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để loại bỏ các mầm bệnh sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống hoặc trước khi tiếp xúc với thực phẩm chín. Nấu chín các loại thịt, trứng gia cầm trước khi ăn để đảm bảo tiêu diệt các mầm bệnh (như vi-rút, vi khuẩn...).
Ngoài ra, người dân cần đảm bảo luôn ăn chín, uống nước đun sôi để nguội nhằm hạn chế nguy cơ lây bệnh qua thực phẩm. Không sử dụng đũa, thìa cá nhân để lấy các món ăn dùng chung nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm vi-rút, vi khuẩn qua đường ăn uống. Trên mâm hay bàn ăn phải có thìa, muỗng, đũa để lấy thức ăn vào chén của mình, sau đó mới sử dụng thìa, muỗng, đũa cá nhân để thưởng thức món ăn của mình. Không uống chung ly nước hoặc đồ đựng các loại thức uống với người khác.
Để đảm bảo sức khỏe tốt thì ngoài đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, người dân cần có chế độ tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý. Theo khuyến cáo của ông Lê Văn Chúc, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh: “Người dân nên thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao một cách điều độ. Chế độ luyện tập thể dục, thể thao điều độ chính là một cách thức hiệu quả để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể được khẳng định qua nhiều công trình nghiên cứu. Cần nghỉ ngơi hợp lý, không nên làm việc quá sức, không nên thức khuya mà cần ngủ đủ giấc, giảm tress… sẽ giúp tăng cường sức đề kháng của mỗi chúng ta”.
Việc uống nước đúng cách theo ngành y tế góp phần bảo vệ sức khỏe tốt. Trung bình cơ thể hàng ngày cần khoảng 2-2,5 lít nước từ thực phẩm và đồ uống để bù lại lượng nước mất qua các con đường khác nhau. Do đó, mỗi người phải uống nước đầy đủ để duy trì sự cân bằng các hoạt động của cơ thể. Bà Phan Thị Diễm Thúy nhấn mạnh: “Người dân không được để miệng và cổ họng khô; cần uống nước sạch, nước đun sôi để nguội, uống chậm, uống từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày ngay cả khi không khát. Không uống nước bị đun đi đun lại nhiều lần; không uống nước nhiều trước khi đi ngủ. Không nên uống nước ngọt thay cho nước lọc. Hạn chế đồ uống chứa cồn, trà, cà phê có tác dụng lợi tiểu nên làm tăng tốc độ mất nước qua thận”.
Thận trọng với thuốc, thực phẩm chức năng
Việc sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng nhằm tăng cường sức đề kháng đang được nhiều người lựa chọn, tuy nhiên, theo bà Thúy, người dân cần thận trọng khi sử dụng. “Khi chọn mua các loại thuốc và thực phẩm chức năng, người dân cần lưu ý kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, kiểm định của cơ quan chức năng. Cần kiểm tra thành phần hoạt chất, giá trị dinh dưỡng của sản phẩm chứ đừng vội chọn mua theo lời quảng cáo. Phải biết được nhu cầu cơ thể để tìm mua những loại thuốc và thực phẩm chức năng hữu ích. Thứ hai là đọc kỹ thành phần, liều lượng sử dụng và khuyến cáo. Đối với liều lượng sử dụng, nên bắt đầu với liều lượng thấp để cơ thể nhận được tác dụng chậm, từ từ. Ngoài ra, còn một thông tin khác cũng cần lưu ý, đó là khuyến cáo khi sử dụng. Hầu hết, các loại thuốc nói chung và thực phẩm chức năng nói riêng đều có khuyến cáo không thích hợp với những người mắc các bệnh như huyết áp cao, suy gan, suy thận… Do đó, nếu bạn mắc một chứng bệnh mãn tính, cần đọc kỹ khuyến cáo trước khi mua”.
Cũng theo bà Thúy, người dân nên thận trọng khi kết hợp thuốc với thực phẩm chức năng. Vì một số loại thực phẩm chức năng sẽ bị giảm tác dụng khi dùng cùng lúc với các loại thuốc. Chẳng hạn như, thực phẩm chức năng bổ sung canxi, sắt, magie, kẽm có thể làm giảm hiệu quả của thuốc kháng sinh đường uống. Hay nhiều loại thuốc bổ có thể tương tác nguy hiểm với thuốc chống đông máu, dẫn đến xuất huyết nghiêm trọng. Chính vì thế, cần hỏi ý kiến bác sĩ khi muốn bổ sung thực phẩm chức năng cùng lúc với các loại thuốc.
Trên thực tế, thực phẩm chức năng không thể thay thế hoàn toàn nhóm thực phẩm tự nhiên. Dù có nhiều công dụng đến mấy thì thực phẩm chức năng cũng không thể thay thế toàn bộ chất dinh dưỡng có trong thực phẩm. Vậy nên, người dân phải xây dựng chế độ ăn uống hợp lý với đầy đủ 4 nhóm chất (bột đường, chất béo, chất đạm và vi chất). Tuyệt đối không được lạm dụng thực phẩm chức năng như một loại thuốc điều trị. Không nên dùng quá nhiều thực phẩm chức năng trong thời gian dài vì có thể gây hại cho sức khỏe.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh việc đeo khẩu trang đúng cách, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng đúng cách, giữ gìn vệ sinh cá nhân thì việc tăng sức đề kháng cũng là một giải pháp nhằm ứng phó trước dịch bệnh mỗi người dân cần quan tâm. Thực tế, các cas bệnh Covid-19 được ra viện của nước ta đều có đặc điểm chung là có sức khỏe tốt, khi mắc bệnh những biểu hiện cũng nhẹ và nhanh chóng âm tính với vi-rút sau khoảng thời gian điều trị bệnh.