Chỉ tiêm vắc-xin mới phòng bệnh sởi hiệu quả
- Thứ sáu - 06/09/2024 02:44
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những trẻ mắc bệnh đa số đều chưa được tiêm vắc-xin
Xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy mới đây đã ghi nhận 2 ca bệnh sởi, trong khi nhiều năm trước không ghi nhận ca bệnh. Ông Nguyễn Văn Trọng, phụ trách công tác tiêm chủng mở rộng, Trạm Y tế xã Vị Thủy, thông tin: “Khi tiếp nhận thông tin ca bệnh sởi, chúng tôi đã điều tra, giám sát ca bệnh tại cộng đồng. Một trường hợp trẻ hơn 2 tuổi và một trường hợp gần 10 tháng tuổi, cả hai đều chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi”.
Tại huyện Châu Thành A cũng ghi nhận 1 ca bệnh sởi ở xã Thạnh Xuân. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh và phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, thông tin: “Ca bệnh sởi vừa được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi 1 tuần. Có thể trường hợp này đã có mầm bệnh trước khi tiêm vắc-xin”.
Trong 4 ca bệnh sởi đã được xét nghiệm khẳng định của tỉnh, có 2 ca ở huyện Vị Thủy, huyện Châu Thành A có 1 ca và thị xã Long Mỹ 1 ca bệnh. Ngoài 4 ca bệnh này, ông Trương Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thông tin: Trung tâm tiếp tục nhận thông báo dịch từ thành phố Cần Thơ có 7 ca bệnh sởi của tỉnh, trong đó có những ca không tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh, chúng tôi đang điều tra, giám sát ca bệnh.
Trẻ chưa có miễn dịch phòng bệnh sởi có nhiều nguyên nhân, có trẻ mắc bệnh trước khi đi tiêm chủng như trường hợp trẻ bệnh sởi ở xã Thạnh Xuân, còn 2 trường hợp ở xã Vị Thủy có 1 trường hợp đã được 10 tháng tuổi mà chưa tiêm vắc-xin do khi được 9 tháng tuổi, đến lịch tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi trẻ mắc bệnh khác nên tạm thời hoãn tiêm, còn 1 trường hợp bệnh sởi còn lại ở xã Vị Thủy do bé bị bệnh tim bẩm sinh nên không thể tiêm vắc-xin, đây là những lỗ hổng tiêm chủng.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi mũi 1 ở tỉnh 8 tháng đầu năm nay đạt 63,3% đạt theo thời điểm. Tỷ lệ tiêm năm 2023 sau khi tích cực tiêm bù, tiêm vét, tỷ lệ đạt 95,5% được đánh giá đạt yêu cầu. Tuy nhiên, chỉ khoảng 5% trẻ không được tiêm chủng vắc-xin này mỗi năm và tích lũy qua nhiều năm sẽ có không ít trẻ chưa có miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng.
Rà soát, tuyên truyền, vận động tiêm vắc-xin phòng bệnh
Ông Nguyễn Văn Trọng, phụ trách công tác tiêm chủng mở rộng, Trạm Y tế xã Vị Thủy, thông tin: “Đối với các ca bệnh sởi được ghi nhận, chúng tôi tăng cường tuyên truyền cho các gia đình xung quanh về bệnh sởi và lợi ích khi tiêm vắc-xin phòng bệnh. Rà soát danh sách và nắm thông tin trẻ nào đã tiêm vắc-xin, chưa tiêm vắc-xin hay đã tiêm đủ mũi vắc-xin chưa để vận động đi tiêm vắc-xin đầy đủ, chủ động phòng bệnh cho trẻ”.
Qua rà soát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ năm 2020-2023 có hơn 2.050 trẻ của tỉnh chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi. Đây là đối tượng sẽ được tuyên truyền tiêm bù, tiêm vét vắc-xin phòng bệnh sởi ở tỉnh năm nay. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã rà soát số đối tượng chưa được tiêm vắc-xin sởi - rubella từ năm 2020-2023 là gần 2.200 người.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể tiêm vắc-xin phòng chống dịch bệnh sởi trên địa bàn tỉnh trong các tình huống khi chưa có dịch xảy ra và khi có dịch xảy ra. Đồng thời đánh giá nguy cơ bệnh sởi năm 2024 theo bộ công cụ của WHO tại Việt Nam và xét các yếu tố tăng nặng nguy cơ ở tỉnh.
Ông Trương Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Qua đánh giá nguy cơ, huyện Châu Thành A có nguy cơ trung bình và các huyện, thị, thành phố còn lại nguy cơ thấp. Trong trường hợp chưa có dịch xảy ra, theo kế hoạch sẽ tiêm bù, tiêm vét cho trẻ thuộc đối tượng tiêm chủng năm 2020-2023 chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin phòng sởi, rubella theo quy định. Dự kiến thời gian thực hiện từ tháng 8 đến tháng 11 tùy thuộc vào lượng vắc-xin được cung ứng. Đối với trường hợp có dịch xảy ra, chúng tôi cũng đã xây dựng kế hoạch tiêm chủng cụ thể”.
Hơn 2.050 trẻ tại tỉnh chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút gây ra, lây lan dễ dàng khi người nhiễm bệnh thở, ho hoặc hắt hơi, có thể gây bệnh nặng, biến chứng và thậm chí tử vong. Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh sởi nhưng phổ biến nhất ở trẻ em. Bệnh sởi lây nhiễm qua đường hô hấp và sau đó lây lan khắp cơ thể. Các triệu chứng bao gồm sốt cao, ho, sổ mũi và phát ban khắp cơ thể. Tiêm vắc-xin là cách tốt nhất để ngăn ngừa mắc bệnh sởi hoặc lây bệnh sang người khác.
Qua rà soát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ năm 2020-2023 có hơn 2.050 trẻ của tỉnh chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi. Đây là đối tượng sẽ được tuyên truyền tiêm bù, tiêm vét vắc-xin phòng bệnh sởi ở tỉnh năm nay.
Trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, mũi vắc-xin sởi được tiêm khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, mũi vắc xin sởi - rubella tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.