TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HẬU GIANG - CDC HẬU GIANG

https://www.cdchaugiang.org.vn


Dịch nCoV còn diễn biến phức tạp

Đến 6 giờ ngày 9-2, toàn thế giới hiện có 37.045 trường hợp nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi-rút corona chủng mới gây ra, 813 cas tử vong và 2.152 người đã hồi phục.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Riêng tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế quốc gia nước này cho biết có tổng cộng 2.656 cas nhiễm mới và thêm 89 cas tử vong, đưa tổng số cas tử vong ở nước này lên tới 811 cas.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Trung Quốc cho rằng, cần đề cao cảnh giác, bởi dịch bệnh còn lâu mới chấm dứt. “Tất cả các dự đoán bây giờ đều là không thể. Chúng ta mới chỉ có chưa đầy một tháng để tìm hiểu về loại vi-rút này. Chúng ta đang ngày càng biết nhiều hơn về nó. Nhưng vẫn chưa thể dự đoán tình hình sẽ đi đến đâu. Dịch bệnh có thể còn lâu mới chấm dứt và chúng ta không thể chủ quan”, tiến sĩ Gauden Galea, đại diện WHO tại Trung Quốc nói.
Những kết quả nghiên cứu mới cũng đã hé lộ thêm bí ẩn về cách thức vi-rút nCoV lây truyền. Các nhà khoa học thuộc Đại học Nông nghiệp Hoa Nam tại thành phố Quảng Châu nhận định, tê tê có thể là vật chủ trung gian truyền nhiễm 2019-nCoV. Bởi chuỗi gen của chủng vi-rút corona trên con tê tê trùng khớp tới 99% chuỗi gen thu được trên người nhiễm 2019-nCoV.
Còn theo các nhà khoa học Đức, vi-rút nCoV có thể tồn tại tới 9 ngày trên bề mặt các vật dụng với nhiệt độ trong nhà và con người có thể nhiễm vi-rút bất cứ lúc nào trong thời gian này. Đây là thời gian tồn tại tối đa của vi-rút nCoV bên ngoài vật chủ. Các nghiên cứu này mở ra những phương hướng mới trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh.
Đó là lý do WHO khuyến cáo rằng mấu chốt của phòng vi-rút corona là rửa tay và giữ vệ sinh sạch sẽ. Dung dịch khử trùng có thể là ethanol (cồn), hydrogen peroxide (oxy già), và nước javen (sodium hypochlorite). Ngoài rửa tay, nhà nghiên cứu Gunter Kampf từ Viện Vệ sinh dịch tễ môi trường, Đại học Y Greifswald, cho biết cần vệ sinh luôn cả các nơi bàn tay hay chạm phải như tay nắm cửa, kệ đầu giường và các vật dụng gần bệnh nhân.
Đánh giá về kết quả điều trị, ông Wang Guoqiang, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện số 1 Đại học Bắc Kinh (Peking University), cho biết những dữ liệu ban đầu về số bệnh nhân hồi phục sau điều trị cho thấy những tín hiệu lạc quan, “hứa hẹn”.
Căn cứ vào một số lượng mẫu nhỏ gồm các người bệnh đã xuất viện tại Vũ Hán, thành phố tâm dịch corona chủng mới, ông Wang cho biết đã có khoảng 6% người bệnh hồi phục từ tình trạng bệnh đã nặng, trong đó gần 1% hồi phục sau khi được đánh giá đã ở tình trạng nguy kịch.
“Hiện chúng ta đang có các nhóm chuyên gia hỗ trợ Vũ Hán, nhất là những người đã được huy động từ các đơn vị điều trị tích cực (intensive care units - ICU). Tôi nghĩ điều này sẽ giúp giảm đáng kể số tử vong ở những trường hợp đang trong tình trạng nguy kịch và nâng cao tỷ lệ hồi phục”, ông Wang nói tiếp.
WHO cũng đã quyết định cử đoàn chuyên gia đến Trung Quốc để nghiên cứu về vi-rút corona. Một nhóm chuyên gia quốc tế do WHO đứng đầu sẽ đến Trung Quốc vào ngày 10 hoặc 11-2 nhằm điều tra về sự bùng phát vi-rút corona tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
50% số cas lây nhiễm thứ cấp xảy ra trong thời kỳ ủ bệnh
 
Thời gian ủ bệnh của vi-rút corona chủng mới được cho là khoảng 5 ngày. Nhưng một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản mới đây công bố nghiên cứu cho thấy ít nhất 50% số cas lây nhiễm vi-rút corona chủng mới từ người sang người diễn ra từ trước khi người bệnh đầu tiên xuất hiện các triệu chứng.
Có nghĩa là có gần 1/2 số bệnh nhân thứ hai bị lây nhiễm đã xuất hiện các triệu chứng viêm phổi chỉ trong vòng 5 ngày. Điều này cho thấy bệnh nhân lây nhiễm thứ cấp đã nhiễm vi-rút trong thời gian bệnh nhân đầu tiên ủ bệnh, và thời gian lây nhiễm thứ cấp ngắn hơn so với ước tính trước đây.
Các nhà khoa học Nhật Bản đi đến kết luận để phòng dịch lây lan bằng biện pháp cách ly khỏi cộng đồng là chưa hiệu quả. Thay vào đó cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa và cải thiện hệ thống chăm sóc y tế.

Tác giả bài viết: NGUYỄN TẤN tổng hợp

Nguồn tin: www.baohaugiang.com.vn