TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HẬU GIANG - CDC HẬU GIANG

https://www.cdchaugiang.org.vn


Nắng nóng làm tăng nguy cơ đột quỵ, phòng ngừa cách nào ?

Nắng nóng hiện nay vẫn gay gắt, Nam bộ có nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-370C, đã làm tăng nguy cơ bị sốc nhiệt, say nắng, các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, bệnh da liễu, nghiêm trọng hơn còn làm tăng nguy cơ đột quỵ. Theo BSCK2 Nguyễn Văn Vũ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh: “Thời tiết nắng nóng không phải là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ não nhưng là yếu tố thúc đẩy cho những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ não”.
Những người làm việc ngoài trời nên sắp xếp công việc cho phù hợp, tránh làm việc giữa trưa khi nắng nóng gay gắt.
Những ai có nguy cơ cao bị đột quỵ do nắng nóng, thưa bác sĩ ?
- Thời tiết nắng nóng không phải là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ não nhưng là yếu tố thúc đẩy cho những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ não, nhất là ở những người bị tăng huyết áp có thể tăng huyết áp cao hơn dẫn đến vỡ mạch máu não. Nhất là những người làm công trình ngoài trời thì rất nguy hiểm bởi thời tiết nắng nóng làm tăng nhiệt độ cơ thể làm cho những người có bệnh lý nền như bệnh tim mạch,  bệnh tăng cholesterol,  tăng huyết áp... sẽ nặng hơn dễ dẫn đến đột quỵ não. Hiện đột quỵ não xảy ra ở mọi lứa tuổi đặc biệt ở tuổi trung niên giờ chiếm tỷ lệ rất cao và nhất là nhóm người hút thuốc lá, uống rượu bia, những công nhân làm công trình ngoài trời như thời tiết nắng nóng hiện nay.
Đột quỵ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nhưng khi thời tiết nắng nóng gay gắt như hiện nay sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra đột quỵ não. Gần đây bệnh đột quỹ não chiếm tỷ lệ và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong chứ không còn là thứ 2 , thứ 3 như trước đây nữa.
Những triệu chứng nhận biết sớm đột quỵ là gì, thưa bác sĩ ?
-  Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang mỗi năm trung bình 500-600 case đột quỵ. Thường biểu hiện hiện bệnh nhân lúc vô viện là: miệng méo, liệt một bên, nói ngọng khó nghe. Nếu nặng hơn bệnh nhân có biểu hiện lơ mơ, rồi đi vào hôn mê sâu,  huyết áp rất cao.
Những triệu chứng nhận biết sớm bệnh nhân đột quỵ thứ nhất là khuôn mặt. Một bên khuôn mặt trở nên chảy xệ hoặc mắt bị sụp xuống. Thứ hai là cánh tay. Một hoặc cả hai cánh tay không thể nâng lên qua cao khỏi đầu, nâng thẳng tay hoặc có thể nâng lên nhưng bị rơi xuống ngay lập tức. Thứ ba là lời nói, nói ngọng, nói khó nghe. Đối với người có những triệu chứng nghi ngờ bị đột quỵ não nên được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt để bác sĩ tranh thủ thời gian vàng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Để phòng ngừa tốt đột quỵ não, nhất là khi thời tiết nắng nóng như hiện nay, người dân nên làm gì, thưa bác sĩ ?
- Mỗi người cần đảm bảo ăn uống đủ dinh dưỡng. Ngoài ra, thời tiết nóng khiến cho cơ thể mất nhiều nước, mọi người cần chú ý uống đủ nước. Tốt nhất, chúng ta nên tạo thói quen dù không khát cũng uống nước. Có thể bổ sung nước qua việc uống nước ép trái cây. Duy trì tập thể dục mỗi ngày 30 phút như đi bộ. Hạn chế các thói quen không tốt ảnh hưởng đến sức khỏe, giảm hoặc không hút thuốc lá, giảm rượu bia. Nên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Giảm stress,  giảm áp lực công việc.
Đối với bệnh nhân tăng huyết áp nên uống thuốc huyết áp điều độ, hạn chế muối, hạn chế ra ngoài khi nhiệt độ nóng gay gắt tránh huyết áp tăng cao. Khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao, người cao tuổi cũng nên hạn chế ra ngoài đường, chỉ nên ra ngoài vào buổi sáng sớm và chiều muộn, khi ngoài trời đã tương đối dịu mát. Nếu bắt buộc phải ra ngoài đường giữa trưa nắng nóng cần quan tâm đội mũ, mặc đồ tránh nắng. Những người làm việc ngoài trời nên sắp xếp công việc cho phù hợp, tránh làm việc giữa trưa khi nắng nóng gay gắt.
Lưu ý, tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột như ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp rồi đột ngột ra ngoài đường khi nắng nóng có nhiệt độ cao dễ dẫn đến sốc nhiệt và đột quỵ, khi sử dụng điều hòa trong nhà nên để nhiệt độ cao, có sự chênh lệch thấp giữa trong phòng và ngoài trời.

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: HỒNG DIỄM (Báo Hậu Giang) thực hiện