TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HẬU GIANG - CDC HẬU GIANG

https://www.cdchaugiang.org.vn


Người dân quan tâm chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang giám sát công tác triển khai Hưởng ứng Tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển” tỉnh Hậu Giang năm 2023 (từ ngày 16 đến 23-10), với chủ đề “Sử dụng và bảo vệ nước sạch đúng cách để cải thiện dinh dưỡng, sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống”, tại các huyện, thị, thành phố. Qua giám sát ở 3/8 đơn vị tuyến huyện, hoạt động truyền thông đều được đánh giá tốt.
Giám sát lồng ghép tư vấn cung cấp kiến thức chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho trẻ ở gia đình tại các địa phương.
Kết quả phấn khởi
Qua giám sát thực tế tại nhà gần 90 hộ dân ở cộng đồng ở 9 xã, thị trấn thuộc huyện Vị Thủy, Phụng Hiệp, Châu Thành A, cho thấy người dân khá quan tâm đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho con, chị Mai Yến Trinh, ở ấp 1A, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, bày tỏ: “Con tôi được 13 tháng tuổi. Tôi được nghe cán bộ y tế truyền thông về 4 nhóm dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ, gồm: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng. Tôi cho cháu ăn cháo, cơm, bún, thịt, cá, trứng, các loại rau, củ, trái cây, uống sữa,… để con không bị suy dinh dưỡng”.
Không chỉ quan tâm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, một số gia đình chú trong chế biến và đảm bảo an toàn thực phẩm cho trẻ. Bà Trần Minh Thúy, bà ngoại bé Lê Phan An Nhiên, 13 tháng tuổi, ở ấp 1A, thị trấn Một Ngàn, bộc bạch: “Gia đình rất quan tâm chế độ dinh dưỡng hợp lý cho cháu, thực đơn được thay đổi và đảm bảo đủ 4 nhóm dinh dưỡng. Thường xuyên cho trẻ uống các loại nước ép, sinh tố, sữa pha đúng cách, không cho trẻ ăn các loại thức ăn nhanh, mì gói,… để bảo vệ tốt sức khỏe thực phẩm đảm bảo tươi, ngon, có nguồn gốc, hạn sử dụng…”.
Không chỉ ở huyện Châu Thành A, qua giám sát ở huyện Vị Thủy, ông Lê Văn Chúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nhận định: “Người dân đã quan tâm đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho trẻ. Trong đó, bao gồm chế độ dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi và trẻ đến dưới 16 tuổi. Các trạm y tế, trung tâm y tế đã tổ chức truyền thông tốt khi Hưởng ứng Tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển” năm 2023. Nhờ truyền thông tốt, được quan tâm nên đã góp phần tác động nâng cao nhận thức người dân về tầm quan trọng trong chăm sóc, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ”.
Cần điều kiện tốt hơn để nâng hiệu quả truyền thông
Từ câu chuyện chăm sóc dinh dưỡng của các gia đình ở ấp 1A, thị trấn Một Ngàn và nhận định của đoàn giám sát Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho thấy người dân đã quan tâm và có kiến thức cơ bản về đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho trẻ. Tuy nhiên, khi gặp các vấn đề đối với một số trường hợp trẻ kén ăn, biếng ăn,… các gia đình còn bối rối, chưa biết cách chăm sóc và chưa hiểu rõ để chấm biểu đồ dinh dưỡng theo dõi tình trạng phát triển thể trạng, tầm vóc của trẻ theo tuổi và giới tính. Bà Nguyễn Thị Hai, ở ấp 1A, thị trấn Một Ngàn, trăn trở: “Biết là cần đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho trẻ nhưng có khi các cháu không chịu ăn. Cháu tôi đã lớp 4 nhưng rất ít ăn rau, chỉ ăn cơm, thịt, thích ăn vặt,… cháu không chịu ăn, tôi cũng không biết làm sao?”.
Với câu hỏi có biết chấm biểu đồ dinh dưỡng để đánh giá con, cháu mình có bị suy dinh dưỡng hay không?, thì các gia đình còn mơ hồ. Bà Nguyễn Thị Sáu, ở ấp 1A, thị trấn Một Ngàn, cho biết: “Tôi cũng không rành về chấm biểu đồ dinh dưỡng. Để đánh giá được cần được hướng dẫn thêm của cán bộ y tế”.
Đây cũng là thực trạng được ghi nhận ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy. Bà Nguyễn Thị Xinh, Phó trưởng Trạm Y tế xã Vị Bình, cho biết: “Khó khăn ở địa phương do đặc điểm người chăm sóc trẻ thường là người lớn tuổi, cha mẹ các bé đi làm nên việc thực hành dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ đôi khi chưa đảm bảo đầy đủ 4 nhóm. Mặt khác, một số hộ dân do điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa đảm bảo được điều kiện chăm sóc dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ. Các buổi hướng dẫn thực hành dinh dưỡng hiệu quả nhưng không có kinh phí để tổ chức thường xuyên hơn”.
Mạng lưới truyền thông về dinh dưỡng đã phủ kín ở các địa phương, song về trình độ, kỹ năng truyền thông hiện là vấn đề trở ngại. Bà Huỳnh Thanh Trúc, Trưởng phòng Quản lý chất lượng bệnh viện và công tác xã hội - truyền thông, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Nhất là lực lượng cộng tác viên dân số là lực lượng lớn, bám sát cộng đồng truyền thông nhưng kiến thức, kỹ năng truyền thông về dinh dưỡng còn hạn chế rất khó thực hiện tốt các cuộc truyền thông nhóm hay truyền thông riêng lẻ, cần được quan tâm tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng”.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ tiếp tục giám sát ở các huyện, thị, thành phố còn lại để đánh giá đúng thực chất kết quả Hưởng ứng Tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển” tỉnh Hậu Giang năm 2023 và có những giải pháp thúc đẩy cải thiện dinh dưỡng tốt hơn cho trẻ dưới 16 tuổi trong thời gian tới.

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: Bích Thiện – Hồng Diễm