TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HẬU GIANG - CDC HẬU GIANG

https://www.cdchaugiang.org.vn


Rà soát, quản lý chặt quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022” với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào ngày 10-3. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị.
Trong thời gian vừa qua, việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được Bộ Y tế và các bộ, ngành tăng cường kiểm soát. Vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc dư luận xã hội. Tình trạng quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, lợi dụng danh nghĩa, uy tín của cán bộ y tế, cơ sở y tế để quảng cáo vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng. Năm 2020, Cục An toàn thực phẩm xử phạt vi phạm về quảng cáo 48 cơ sở (với 54 hành vi vi phạm), tổng số tiền phạt gần 2,3 tỉ đồng. Năm 2021, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt vi phạm về quảng cáo 28 cơ sở (với 40 hành vi vi phạm), tổng số tiền phạt hơn 1,5 tỉ đồng. Nhiều doanh nghiệp là chủ sở hữu bản công bố sản phẩm nhưng không thừa nhận và không đứng tên thực hiện các quảng cáo vi phạm, do vậy cơ quan chức năng không xác định được đối tượng vi phạm, nên không thể xử lý. Với các trường hợp này, Cục đã cảnh báo trên website của Cục và thông báo để các báo đăng tin. Năm 2020, 2021, website Cục (vfa.gov.vn) đã đăng 246 bài cảnh báo…
2
Đại biểu tham dự tại điểm cầu trực tuyến Sở Y tế tỉnh.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Để hạn chế tối đa hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, tạo ra sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, đề nghị các bộ, ngành trung ương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe để điều chỉnh phù hợp với tình hình hiện tại. Các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương cần chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ để quản lý. Tăng cường quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp, tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được cơ quan chức năng kiểm duyệt gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế người tiêu dùng. Các cơ quan chủ quản thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý quyết liệt những hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe của các đơn vị kinh doanh dịch vụ phát hành quảng cáo thuộc lĩnh vực mình quản lý theo đúng quy định của pháp luật…                                                            

Tác giả bài viết: Theo NHẬT MINH (Báo Hậu Giang)