TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HẬU GIANG - CDC HẬU GIANG

https://www.cdchaugiang.org.vn


Tăng cường tư vấn phòng, chống suy dinh dưỡng

Để nâng cao kiến thức của gia đình về phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ, nhất là khi trẻ bệnh, hoạt động tư vấn dinh dưỡng đã được duy trì lồng ghép thường xuyên trong quá trình khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế.
Tư vấn dinh dưỡng luôn được lồng ghép trong quá trình khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.

Chú trọng tư vấn, giải thích trực tiếp
Đưa con đến khám bệnh tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, chị Trần Thị Thu Quỳnh, ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, bày tỏ lo lắng về tình trạng bệnh của con, viêm hô hấp nhiều ngày chưa khỏi và còn vấn đề về sự phát triển thể chất đều được bác sĩ tư vấn tận tình. Chị Thu Quỳnh lo lắng: “Con tôi là bé Thái Trần Đức Tài, đã 2 tuổi, cân nặng được 12kg. Tôi lo lắng không biết cháu có bị suy dinh dưỡng không? Bác sĩ bảo cháu không bị suy dinh dưỡng và hướng dẫn tôi chăm sóc dinh dưỡng cho con hợp lý khi cháu bệnh”.
Việc lồng ghép này đã đem lại hiệu quả tích cực nâng cao nhận thức của các gia đình về chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, chủ động phòng trẻ bị suy dinh dưỡng. Chị Trần Ngọc Trân, ở xã Tân Phú, thị xã Long Mỹ, cho biết: “Tôi đưa con 7 tháng tuổi đến bệnh viện khám do bị bệnh hơn 10 ngày không khỏi, uống sữa ít, hay ọc. Trong quá trình khám bệnh, bác sĩ tư vấn gia đình nên chia nhỏ cho con uống sữa mỗi lần ít hơn bình thường, để giảm tình trạng ọc. Rồi còn hướng dẫn tôi cần cho con ăn dặm đúng cách để đảm bảo đủ dinh dưỡng, phòng, chống suy dinh dưỡng cho con sau này”.
Không riêng chị Thu Quỳnh, Ngọc Trân, hầu hết gia đình có con nhỏ đến khám bệnh đều được quan tâm đánh giá và tư vấn về tình trạng dinh dưỡng. Bác sĩ Thạch Neng Xuân Chính, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, chia sẻ: “Tất cả các bé đến khám bệnh đều được cân nặng, đo chiều cao. Bác sĩ khám dựa trên chỉ số này xem các bé có suy dinh dưỡng hay không và lồng ghép tư vấn, hướng dẫn trực tiếp phù hợp, giải đáp các thắc mắc của gia đình trong quá trình chăm sóc trẻ, trong đó có nuôi dưỡng”.
Theo các bác sĩ, với trẻ cân nặng thấp, suy dinh dưỡng thường yếu, dễ bị ốm, trẻ chậm phát triển về thể chất và cả trí tuệ. Gia đình cần chăm sóc dinh dưỡng hiệu quả cũng góp phần giảm trẻ bị suy dinh dưỡng và giảm tần suất bệnh của trẻ nhỏ.
Trẻ suy dinh dưỡng cần chăm sóc như thế nào ?
Khi trẻ bị suy dinh dưỡng không chỉ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất mà còn ảnh hưởng đến cả sự phát triển về tinh thần. Gia đình cần quan tâm chăm sóc dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ, hoặc trẻ chưa bị suy dinh dưỡng nên chăm sóc tốt, phòng ngừa để trẻ không bị suy dinh dưỡng.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Thạch Neng Xuân Chính, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, đối với trẻ bị suy dinh dưỡng gia đình trước tiên cần tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng và cải thiện bằng cách điều chỉnh cho hợp lý. Người mẹ cần cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Sau đó, cho trẻ ăn dặm đúng thời điểm và đúng cách. Đối với trẻ trên 1 tuổi cần cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm, đảm bảo đủ 4 nhóm dinh dưỡng (đạm, đường, chất béo, vitamin và các chất khoáng). Gia đình có thể cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày và chế biến thức ăn bắt mắt để kích thích trẻ thèm ăn. Ngoài ra, cần bổ sung thêm một số vitamin và muối khoáng.
Suy dinh dưỡng sẽ dẫn đến sự chậm phát triển về thể chất cũng như tinh thần của trẻ. Vì vậy, chăm sóc hợp lý phòng suy dinh dưỡng cho trẻ là việc các gia đình cần quan tâm đúng mức. Quan tâm cân nặng và đo chiều cao của trẻ thường xuyên để đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Đồng thời, nhận biết sớm một số dấu hiệu trẻ suy dinh dưỡng, như: trẻ hay quấy khóc, kém linh hoạt, các bắp thịt tay chân mềm nhão, bụng to dần, chậm biết lật, ngồi, bò, đi đứng, chậm mọc răng,… để chủ động chăm sóc cải thiện dinh dưỡng cho trẻ.

 

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: Bích Thiện - Hồng Diễm