TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HẬU GIANG - CDC HẬU GIANG

https://www.cdchaugiang.org.vn


Vi khuẩn HP: Dễ lây và gây nhiều bệnh nguy hiểm

Tại Chương trình sinh hoạt chuyên đề y khoa với chủ đề vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) và bệnh lý dạ dày - tá tràng vừa được Sở Y tế phối hợp với Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long tổ chức, các bác sĩ đã đưa ra nhiều lý do cần quan tâm tầm soát vi khuẩn HP trong bối cảnh Việt Nam là nước có tỷ lệ người lớn nhiễm HP ở mức cao.
Ảnh minh họa.
Chương trình sinh hoạt chuyên đề y khoa với chủ đề vi khuẩn HP và bệnh lý dạ dày - tá tràng có 60 bác sĩ tham dự và chia sẻ kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị HP.
Tỷ lệ nhiễm cao, dễ lây
Theo nhận định của các bác sĩ ở tỉnh và Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, vi khuẩn HP là một vấn đề rất thời sự, nóng bỏng hiện nay. Khắp nơi trên thế giới đều ghi nhận sự lây nhiễm của vi khuẩn HP, có khoảng 50% dân số thế giới nhiễm. Ở các nước đang phát triển tỷ lệ nhiễm cao hơn, trong đó có Việt Nam (là nước có tỷ lệ người lớn nhiễm HP ở mức cao khoảng 60-70%, trẻ em khoảng 55%).
Bác sĩ chuyên khoa 1 Trương Thái Minh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, cho biết: “Vi khuẩn HP sống trong lớp chất nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày của chúng ta. Chúng có khả năng tồn tại trong môi trường axít của dạ dày. Ở môi trường bên ngoài, vi khuẩn có thể tồn tại vài ngày”.
Cũng theo bác sĩ Thái Minh, sự lây lan vi khuẩn rất dễ dàng. Vi khuẩn cư trú trong dạ dày, khi bị trào ngược sẽ xuất hiện ở miệng hoặc theo phân ra ngoài. Vi khuẩn lây qua đường ăn uống khi thức ăn, nước uống nhiễm HP, dịch tiêu hóa, phân người bị nhiễm HP. Lây qua đường miệng - miệng do HP có trong nước bọt, cao răng người bị nhiễm.
Ở Việt Nam có khoảng 60-70% người lớn nhiễm HP, trong số người nhiễm HP có khoảng 80% không triệu chứng, không thấy khó chịu nhưng có thể bị viêm dạ dày mãn, mười mấy phần trăm loét dạ dày, loét tá tràng, dưới 1% có thể bị ung thư dạ dày theo nhiều nghiên cứu.
Các bệnh dạ dày - tá tràng do HP thường gặp: Loét dạ dày - tá tràng, ung thư dạ dày, U plympho dạ dày. Các triệu chứng dạ dày - ruột khác: Khó tiêu chức năng, bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Đối với người loét tá tràng trên 95% có nhiễm HP, loét dạ dày có trên 70% nhiễm HP, ung thư dạ dày khoảng dưới 90% có HP. Những người không có biểu hiện, nhưng hay khó tiêu, đầy hơi, ợ hơi có trên 50% nhiễm HP.
Những ai cần tầm soát vi khuẩn HP ?
Bác sĩ chuyên khoa 1 Trương Thái Minh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, khuyến cáo: Người bị loét dạ dày - tá tràng; người có tiền căn loét dạ dày tá tràng nhưng chưa từng xét nghiệm tìm HP trước đây; khó tiêu chức năng mới xuất hiện chưa rõ nguyên nhân; tổn thương tiền ung thư dạ dày (viêm teo niêm mạc dạ dày mãn tính, dị sản niêm mạc ruột ở dạ dày, loạn sản niêm mạc dạ dày); sau phẫu thuật ung thư dạ dày sớm; có cha, mẹ, anh, chị, em ruột bị ung thư dạ dày; điều trị lâu dài với thuốc kháng viêm không Sterroid (NSAIDS) hoặc aspirin;  bệnh trào ngược dạ dày - thực quản cần dùng thuốc ức chế bơm proton kéo dài; thiếu máu thiếu sắt chưa rõ nguyên nhân; bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch nguyên phát; bệnh nhân có nguyện vọng tiệt trừ HP nên tầm soát HP.
Về xét nghiệm, người bệnh có thể làm xét nghiệm tầm soát HP bằng xét nghiệm có xâm lấn, như xét nghiệm urease nhanh, xét nghiệm mô bệnh học, nuôi cấy, sinh học phân tử. Trong đó, xét nghiệm urease nhanh, xét nghiệm mô bệnh học hay được thực hiện. Muốn làm các xét nghiệm này bắt buộc làm nội soi để lấy mẫu trong niêm mạc dạ dày. Hay xét nghiệm không xâm lấn: Xét nghiệm tìm kháng nguyên trong phân, huyết thanh chẩn đoán, xét nghiệm hơi thở.
Theo các bác sĩ nhiễm vi khuẩn HP không bao giờ tự khỏi và điều trị HP là vấn đề không dễ hiện nay do đối diện với vấn đề kháng thuốc rất lớn. Hiện có 2 phác đồ đang được áp dụng rộng rãi có hiệu quả trên 80%. Nếu 2 phác đồ này không hiệu quả có thể thực hiện nuôi cấy HP và làm kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh phù hợp. Trong điều trị người bệnh cần tuân thủ uống thuốc đúng, hiệu quả mới cao. 100% bệnh nhân nên kiểm tra HP sau điều trị, có những trường hợp sau điều trị không còn triệu chứng nhưng vi khuẩn HP vẫn còn. Lúc này, không chỉ bản thân bệnh nhân chưa hết bệnh và còn là nguy cơ lây lan cho những người khác.
Việc điều trị HP khó khăn, vì vậy, phòng ngừa lây nhiễm HP là vấn đề cần được chú trọng. Có thể phòng ngừa lây nhiễm bằng cách đảm bảo vệ sinh ăn uống. Thực hiện ăn chín, uống nước sôi để nguội vì vi khuẩn sẽ bị phân hủy khi đun sôi. Vệ sinh tay trước khi ăn uống. Người bị bệnh nên quan tâm phòng tránh lây lan cho người khác. Khi phát hiện 1 thành viên trong gia đình nhiễm HP thì các thành viên khác trong gia đình nên tầm soát.

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: Hồng Diễm – Bích Thiện