Triệu chứng và cách phòng bệnh bạch hầu ra sao ?

Thứ sáu - 19/07/2024 20:49
Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh và có tỷ lệ tử vong cao. Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Văn Chúc (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khuyến cáo cách để phòng bệnh nguy hiểm này hiệu quả ?
BSCKII. Lê Văn Chúc
BSCKII. Lê Văn Chúc

Bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào, thưa bác sĩ ?
- Bệnh bạch hầu thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bạch hầu là một bệnh bắt buộc phải khai báo. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.

2 1

Tiêm vắc-xin là biện pháp hiệu quả nhất phòng bệnh bạch hầu.

Vi khuẩn bạch hầu có 3 type là Gravis, Mitis và Intermedius. Vi khuẩn có sức đề kháng cao ở ngoài cơ thể và chịu được khô lạnh. Nếu được chất nhày bao quanh bảo vệ thì vi khuẩn có thể sống trên đồ vật vài ngày đến vài tuần; trên đồ vải có thể sống được 30 ngày; trong sữa, nước uống sống đến 20 ngày; trong tử thi sống được 2 tuần. Vi khuẩn bạch hầu nhạy cảm với các yếu tố lý, hóa. Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, vi khuẩn sẽ bị chết sau vài giờ, ánh sáng khuyếch tán sẽ bị diệt sau vài ngày. Ở nhiệt độ 580C vi khuẩn sống được 10 phút, ở phenol 1% và cồn 60 độ có thể sống được 1 phút. Chuột lang có cảm nhiễm cao đối với vi khuẩn bạch hầu. 
Bản chất của ngoại độc tố bạch hầu là một protein có tính kháng nguyên đặc hiệu, độc tính cao, không chịu được nhiệt độ và focmol. Ngoại độc tố của các type vi khuẩn bạch hầu đều giống nhau. Ngoại độc tố khi được xử lý bằng nhiệt độ và focmol sẽ mất độc lực, được gọi là giải độc tố (anatoxine) dùng làm vắc-xin.
Ở Việt Nam, thời kỳ chưa thực hiện tiêm vắc-xin bạch hầu trong Chương trình tiêm chủng mở rộng thì bệnh bạch hầu thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết các tỉnh, đặc biệt là ở các thành phố có mật độ dân cư cao. Bệnh xuất hiện nhiều vào các tháng 8, 9, 10 trong năm. Do thực hiện tốt việc tiêm vắc-xin bạch hầu nên tỷ lệ mắc bạch hầu ở Việt Nam những năm qua thấp. Riêng tỉnh nhiều năm nay không ghi nhận ca bệnh.
Vậy bệnh bạch hầu có triệu chứng như thế nào, thưa bác sĩ ?
- Bệnh thường có biểu hiện viêm họng, mũi, thanh quản. Họng đỏ, nuốt đau. Da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ.
Giả mạc bạch hầu thường trắng ngà hoặc màu xám dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm. Bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác và/hoặc viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%.
Bệnh bạch hầu thường xuất hiện trong những tháng lạnh ở vùng ôn đới. Bệnh có tính mùa, thường tản phát, có thể phát triển thành dịch nhất là ở trẻ dưới 15 tuổi chưa được gây miễn dịch đầy đủ. Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch đặc hiệu. Bệnh nhân mắc bạch hầu sau khi khỏi bệnh sẽ không bị mắc lại vì cơ thể được miễn dịch lâu dài.
Bệnh bạch hầu có phương thức lây truyền như thế nào, thưa bác sĩ ?
- Bệnh bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Sữa tươi cũng có thể là phương tiện lây truyền bệnh bạch hầu.
Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu là ở người bệnh và người lành mang vi khuẩn. Đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh. Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 5 ngày, có thể lâu hơn. Thời kỳ lây truyền thường không cố định. Người bệnh đào thải vi khuẩn từ thời kỳ khởi phát, có thể ngay từ cuối thời kỳ ủ bệnh. Thời kỳ lây truyền kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít khi trên 4 tuần. Người lành mang vi khuẩn bạch hầu có thể từ vài ngày đến 3, 4 tuần, rất hiếm trường hợp kéo dài tới 6 tháng. Điều trị kháng sinh có hiệu quả nhanh chóng sẽ chấm dứt sự lây truyền. Hiếm có trường hợp mang vi khuẩn mãn tính kéo dài trên 6 tháng.
Các biện pháp nào để phòng, chống dịch bạch hầu hiệu quả, thưa bác sĩ ?
- Do bệnh nguy hiểm, có thể phát triển thành dịch nên khâu dự phòng là điều quan trọng, người dân cần thực hiện. Bệnh có vắc-xin dự phòng vì vậy tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng lịch cho trẻ là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Hiện tại, trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã thường xuyên tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ là vắc-xin 5 trong 1 (SII) để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Lịch tiêm chủng: mũi 1 được tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi. mũi 2 được tiêm sau mũi thứ nhất 1 tháng, mũi 3 được tiêm sau mũi thứ hai 1 tháng. Trẻ còn được tiêm mũi DPT phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván trong chương trình tiêm chủng mở rộng khi trẻ 18 tháng tuổi.
Ngoài ra, người dân cần quan tâm tìm hiểu những thông tin cần thiết về bệnh bạch hầu, nhất là các đường lây bệnh để chủ động phòng bệnh. Nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng, cần thực hiện vệ sinh tốt để phòng bệnh.

Xin cảm ơn bác sĩ !

 

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: Bích Thiện - Hồng Diễm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

[SITE_BTN_TOOL]