Hình thành thói quen chủ động tầm soát, phòng bệnh không lây nhiễm cho người dân

Thứ năm - 10/10/2024 09:33
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vừa tổ chức khám, sàng lọc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp cho 1.200 người dân trên địa bàn 24 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị, thành phố của tỉnh. Không dừng lại ở khám phát hiện bệnh sớm, hoạt động còn xây dựng ý thức chủ động tầm soát, phòng bệnh trong người dân.
Người dân đến khám, tầm soát bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp tại Trạm Y tế xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh.
Người dân đến khám, tầm soát bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp tại Trạm Y tế xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh.
Giải pháp tối ưu giúp chủ động phòng bệnh
Theo bác sĩ Lê Thanh Phong, Trưởng phòng Khám tư vấn điều trị dự phòng, phòng, chống bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, việc khám, tầm soát và phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp rất quan trọng. Tầm soát, phát hiện sớm bệnh giúp bệnh nhân được theo dõi, điều trị và kiểm soát tốt đường huyết và huyết áp, giúp bệnh nhân sống chung an toàn, lâu dài với hai căn bệnh này và giảm biến chứng nguy hiểm, giảm tử vong.
Bác sĩ Thanh Phong thông tin: “Thực hiện đợt khám, sàng lọc bệnh, chúng tôi đã khám cho 1.200 người có nguy cơ cao ở cộng đồng 24 xã, phường, thị trấn từ 30-69 tuổi. Chúng tôi chọn khám là những người chưa biết mình mắc 2 loại bệnh này. Mỗi địa phương khám cho 50 người. Trong quá trình khám, đối với những trường hợp có chỉ số mắc bệnh, chúng tôi khuyến cáo người dân đến các cơ sở y tế để khám, điều trị tiếp theo”.
Đối với những người chưa mắc bệnh sẽ được tư vấn các yếu tố nguy cơ dẫn đến mắc bệnh và hướng dẫn các giải pháp dự phòng. Bà Trần Thị Thanh Tuyền, Phó trưởng Trạm Y tế xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Xã được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giao chỉ tiêu mời 50 người khám sàng lọc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp. Đa số người dân có quan tâm, thực hiện đúng hướng dẫn nhịn ăn, uống để thử đường huyết. Bên cạnh khám, tầm soát phát hiện bệnh sớm, chúng tôi tư vấn, tuyên truyền để người dân biết lợi ích, tầm quan trọng của việc khám, tầm soát bệnh định kỳ và dự phòng bệnh không lây nhiễm, tự chủ động thực hiện trong thời gian tới để bảo vệ sức khỏe tốt nhất”.
Các buổi khám đã có ý nghĩa thúc đẩy, hình thành ý thức và hành động của người dân. Bà Lê Thị Năm, 59 tuổi, ấp Mỹ Hiệp 2, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Lâu rồi tôi không có khám sức khỏe định kỳ, lần này trạm y tế mời lên để khám tầm soát bệnh tôi thấy cần thiết nên đi khám. Nhân viên y tế kiểm tra đường huyết và huyết áp của tôi các chỉ số bình thường. Ngoài ra, còn tuyên truyền, hướng dẫn tôi phòng bệnh bằng cách ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên và quan tâm khám tầm soát bệnh định kỳ. Sau này, tôi sẽ quan tâm khám tầm soát để phát hiện sớm nếu có mắc bệnh”.
Nỗ lực quản lý, chăm sóc bệnh không lây nhiễm
Ngành y tế đã quan tâm quản lý, chăm sóc các bệnh không lây nhiễm, trong đó đa số là bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường và tiền đái tháo đường nhằm đồng hành giúp người bệnh bảo vệ tốt sức khỏe, giảm thấp nhất biến chứng, tử vong.
Theo số liệu quản lý của ngành, lũy kế đến tháng 9-2024, đang quản lý gần 5.000 bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, chỉ đạt khoảng 75% trong tổng số người được phát hiện mắc bệnh. Đồng thời, quản lý trên 5.300 bệnh nhân tăng huyết áp, cũng đạt khoảng 75% trong tổng số người được phát hiện mắc bệnh. Việc quản lý, tư vấn bệnh nhân ở y tế cơ sở còn khó khăn do chưa đáp ứng được yêu cầu điều trị, nên chưa có được niềm tin ở người bệnh.
Bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân tử vong lớn nhất tại nước ta, chiếm khoảng 80% số ca tử vong theo nghiên cứu gần nhất vào năm 2021 của Bộ Y tế. Bệnh đái tháo đường là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu bên cạnh bệnh tim mạch, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Bác sĩ Lê Thanh Phong thông tin thêm: “Theo số liệu điều tra năm 2021 của Bộ Y tế, ước tính tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp trên 26% và tỷ lệ bệnh đái tháo đường là 7% trong nhóm dân số tuổi từ 18-69. Tỷ lệ tử vong do bệnh đái tháo đường chiếm 4,7% trong tổng số tử vong do bệnh không lây nhiễm và tỷ lệ tử vong do tăng huyết áp chiếm 2,7% trong tổng số ca tử vong do bệnh tim mạch”.
Để giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh không lây nhiễm, bác sĩ Phong khuyến cáo điều cần thiết là người dân phải quan tâm phòng bệnh, bởi có những yếu tố gây bệnh có thể dự phòng được. Ngoài các yếu tố nguy cơ, hành vi có nguy cơ mắc bệnh không thể dự phòng được như: tuổi, giới, chủng tộc, di truyền thì người dân cần quan tâm dự phòng các yếu tố là liên quan đến lối sống vì có thể can thiệp được. Người dân cần tránh không hút thuốc lá, không uống rượu bia, không ăn thừa muối, tránh thiếu vận động thể lực để phòng bệnh”.
Theo số liệu quản lý của ngành, lũy kế đến tháng 9-2024, đang quản lý gần 5.000 bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, chỉ đạt khoảng 75% trong tổng số người được phát hiện mắc bệnh. Đồng thời, quản lý trên 5.300 bệnh nhân tăng huyết áp, cũng đạt khoảng 75% trong tổng số người được phát hiện mắc bệnh. 

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: HỒNG DIỄM (Báo Hậu Giang)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

[SITE_BTN_TOOL]