Phòng ngộ độc tiết canh, món tái sống

Thứ năm - 28/11/2024 08:38
1. Tiết canh
Thường dùng là tiết gia súc, gia cầm. Tiết tươi sống chứa nhiều vi khuẩn, virut, trứng và ấu trùng giun sán, nó còn là môi trường rất tốt cho vi khuẩn phát triển. Dưới đây là một số virut và sán có thể có trong tiết canh tươi sống:
Ảnh minh họa (Nguồn internet).
Ảnh minh họa (Nguồn internet).
- Ăn tiết canh có thể bị sán não.
- Khi ăn tiết canh, bạn có nguy cơ mắc các bệnh rất nguy hiểm, như nhiễm liên cầu lợn (Streptococus suis). Liên cầu lợn gây bệnh viêm màng não mủ, nếu chữa khỏi thì di chứng là giảm thính lực và điếc không hồi phục. Nhiễm khuẩn máu tỷ lệ tử vong 7-10%.
- Nhiễm virut dại (Rabies virus) khi ăn tiết canh chó, nếu mắc bệnh dại nạn nhân đã lên cơn dại thì không thể cứu chữa.
- Nhiễm virut cúm gia cầm (A/H5N1, H5N6, H7N9…) khi ăn tiết canh vịt, tùy theo độc lực của virut và sức đề kháng của cơ thể thực khách mà gây bệnh nặng hay nhẹ.
- Nhiễm sán não, sán dây và bệnh lợn gạo. Nhiễm ấu trùng giun xoắn khi ăn tiết canh lợn.
Do đó không nên ăn tiết canh sống mà nên ăn tiết canh nấu chín. Tiết nấu chín đã diệt hết vi khuẩn, virut, ký sinh trùng lại là thực phẩm rất tốt và bổ dưỡng. Bởi tiết bổ sung cho cơ thể chất sắt dạng “hem”, albumin và các protein (trong thức ăn thì sắt dạng hem ở động vật có khả năng hấp thụ cao hơn sắt có trong thực vật). 
2. Gỏi cá
Nguyên liệu chính của món gỏi cá là thịt cá sống.Tất các các loài cá sống trong tự nhiên đều nhiễm ký sinh trùng gây bệnh cho người.Nếu môi trường sống của cá có chất thải công nghiệp, chất độc chiến tranh thì cá nhiễm thêm hóa chất độc hại. Có chất thải sinh hoạt thì cá nhiễm thêm vi khuẩn, virut gây bệnh.
Ở Việt Nam gỏi cá chế từ nhiều loại cá: cá nước ngọt, nước mặn, nước lợ. Gỏi cá là món khoái khẩu của nhiều người, nhiều địa phương. Tuy nhiên khi ăn gỏi cá, bạn phải đối diện với các nguy cơ: Nhiễm các loại ký sinh trùng như: Giun Anisakis, giun đầu gai (ấu trùng của nó xuyên qua ruột rồi đi khắp cơ thể: ở gan, vào mắt, trong não, trong tủy sống, ở phổi, có thể gây chết người). Sán lá gan nhỏ, sán lá gan lớn, sán lá ruột, sán dây ký sinh ở ruột non. Nhiễm chất độc trong nước thải công nghiệp như Methyl thủy ngân. Nhiễm vi khuẩn gây bệnh tả, lỵ, thương hàn có trong nước bẩn nuôi cá.
3. Nem chua
Nguyên liệu là thịt lợn nạc sống xay (giã) nhuyễn, trộn với bì lợn lạng mỏng thái chỉ và thính (gạo rang thơm giã nhỏ) cùng với các phụ gia khác rồi chia từng nắm nhỏ để gói bằng lá sung, lá vông nem, ngoài bọc nhiều lớp lá chuối tươi; để 3-5 ngày sẽ thành nem chua. Do sử dụng thịt lợn sống nên nem chua có thể nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn, trứng hoặc ấu trùng sán dải lợn (lợn gạo) gây bệnh cho người ăn.
4. Các món tái
Thịt bò bê bán ở chợ và các quán ăn đường phố vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm sán dây bò (Taenia saginata) còn gọi là sán xơ mít, cho người ăn các món tái bò, tái bê, đặc biệt món bít tết là dễ bị nhiễm sán vì là miếng thịt to hình khối, không thái mỏng như món tái.
 

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: ThS. Đặng Bá Phát, Trưởng Khoa Truyền thông, GDSK - CDC Hậu Giang tổng hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

[SITE_BTN_TOOL]