1. Thực trạng thiếu hụt i-ốt đang xảy ra đối với toàn bộ người dân ở 6 vùng sinh thái trên toàn quốc tại Việt Nam, bao gồm cả các tỉnh ven biển Duyên hải miền Trung.
Năm 1994, Việt Nam điều tra dịch tễ học tình trạng thiếu iốt trên quy mô toàn quốc và kết quả cho thấy 94% dân số nằm trong vùng thiếu iốt (tình trạng thiếu iốt ở Việt Nam mang tính toàn quốc, không kể miền núi, thành thị hay vùng đồng bằng, ven biển), tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-12 tuổi 22,4% (khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (<5%)), trung vị i-ốt niệu là 32 mcg/l (khoảng an toàn theo khuyến cáo của WHO (100-199mcg/l). Chính vì tình hình thiếu i-ốt nghiêm trọng, ngày 8 tháng 9 năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 481/TTg về việc tổ chức và vận động toàn dân ăn muối i-ốt. Sau 05 năm sau, ngày 10 tháng 4 năm 1999, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 19/1999/NĐ-CP về việc sản xuất và cung ứng muối i-ốt cho người ăn thay thế Quyết định số 481/TTg. Nghị định này quy định bắt buộc muối dùng cho người ăn, bao gồm cả muối thực phẩm phải là muối iốt. Vì vậy, sau 06 năm triển khai thi hành Nghị định này, Việt Nam đã thanh toán được tình trạng thiếu i-ốt và đạt được các tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2005: tỷ lệ bao phủ với muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh ≥ 90%, mức trung vị i-ốt niệu ≥ 100 mcg/l và tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi < 5%.
Cho rằng Việt Nam đã thanh toán được tình trạng thiếu hụt I-ốt và người dân đã duy trì được thói quen sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm, ngày 29 tháng 12 năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2005/NĐ-CP thay thế Nghị định số 19/1999/NĐ-CP để chuyển sang cơ chế quản lý mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống các rối loạn thiếu i-ốt trở thành hoạt động thường quy của Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan. Việc sử dụng muối iốt trong chế biến thực phẩm không còn là bắt buộc nữa. Chính vì vậy, theo kết quả đánh giá 09 năm thi hành Nghị định số 163/2005/NĐ-CP thì cả nước chưa đến 50% tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh (mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là tỷ lệ bao phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh phải đạt >90%), mức trung vị i-ốt niệu là 84 mcg/l, thấp hơn khoảng an toàn theo khuyến cáo của WHO (100-199 mcg/l). Tỷ lệ này cao gấp gần 2 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (<5%) và cao gần gấp 3 lần so với số liệu năm 2005 của Việt Nam (là 3,6%) khi tuyên bố thanh toán tình trạng bướu cổ và các rối loạn do thiếu i-ốt.
Năm 2014-2015, tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8- 10 tuổi đã tăng lên 8,3% (điều tra trên quy mô toàn quốc trên hàng nghìn trẻ). Khẳng định Việt Nam thiếu I ốt không chỉ ở miền núi mà còn thiếu ở cả các khu vực duyên hải miền trung (ven biển).
Trước tình trạng thiếu hụt i-ốt nghiêm trọng trong cộng đồng, ngày 28 tháng 01 năm 2016, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ về tăng cường VCDD vào thực phẩm.
Nhờ có quy định tại Nghị định số 09/2016/NĐ-CP, năm 2018, Bệnh viện Nội tiết Trung ương điều tra 6 vùng sinh thái trên toàn quốc cho thấy mức trung vị I ốt niệu toàn quốc đã tăng (2014: 84 mcg/l) lên 97 mcg/l (điều tra trên 2.160 hộ gia đình), mặc dù vẫn dưới mức khuyến cáo của WHO (100-199 mcg/l). Tính theo các vùng sinh thái thì chỉ có khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ đạt mức trung vị I ốt niệu trên 100 mcg/l. Các khu vực khác, kể cả Duyên hải miền Trung (vùng ven biển) vẫn còn tình trạng thiếu I ốt. Kết quả cụ thể mức trung vị I ốt niệu:
+ Tây Nguyên: 118,5 mcg/l;
+ Đồng bằng sông Hồng: 89 mcg/l;
+ Khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền trung: 95 mcg/l;
+ Khu vực Đông Nam bộ: 107 mcg/l;
+ Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long: 93 mcg/l;
Hiện nay, theo Báo cáo 2021 của Mạng Lưới Toàn cầu về Phòng Chống các rối loạn do thiếu i-ốt, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm 26 nước còn lại trên thế giới bị thiếu i-ốt. Theo Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020 tại Việt Nam, trung vị i-ốt niệu của đối tượng trẻ em toàn quốc (trên 6 tuổi) là 113,3 mcg/l, trẻ em miền núi là 90,0 mcg/l, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ là 98,9 mcg/l, (trong khi mức khuyến cáo của WHO cho các đối tượng này là 100-199mgc/l); phụ nữ có thai là 85,3 mcg/l (mức khuyến cáo của WHO cho các đối tượng này là 150-249mgc/l). Hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn chỉ chiếm 27%, trong khi khuyến cáo của WHO là phải trên 90%. Như vậy chỉ số trung vị i-ốt niệu và chỉ số hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đều đạt ở mức nguy cơ cận dưới và không đạt so với khuyến cáo của WHO.
Thiếu VCDD là “nạn đói tiềm ẩn” do khẩu phần của người dân Việt Nam hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu các vi chất dinh dưỡng thiết yếu. Tình trạng thiếu hụt iốt tại Việt Nam nghiêm trọng tới mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng.
2. Chính sách pháp luật của Nhà nước về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm
Tại Điểm b Khoản 2 Điều 7 Luật an toàn thực phẩm quy định “Tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm có nghĩa vụ tuân thủ quy định của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng mà thiếu hụt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng”. Trên cơ sở nội dung giao tại Luật, sau khi nghiên cứu, đánh giá và căn cứ vào thực tiễn về tình trạng thiếu hụt VCDD ở cộng đồng tại Việt Nam, Bộ Y tế đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/01/2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.
Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm quy định “muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt”.
Luật và Nghị định 09/2016/NĐ-CP là 02 văn bản quy phạm pháp luật cao nhất quy định về bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, có hiệu lực bắt buộc chung, được nhà nước bảo đảm thực hiện trong phạm vi cả nước. Đến nay, chưa có văn bản nào bãi bỏ, sửa đổi hay thay thế văn bản này.
3. Bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, yêu cầu muối chế biến thực phẩm phải tăng cường i-ốt là phù hợp với khuyến cáo của WHO và kinh nghiệm của quốc tế về phòng, chống thiếu VCDD
Thống kê trên cơ sở dữ liệu của Mạng lưới i-ốt toàn cầu (IGN) cho thấy: (1) với tăng cường iốt vào muối: 126 quốc gia quy định bắt buộc tăng cường, trong đó 114 quốc gia yêu cầu sử dụng muối đã tăng cường i-ốt trong chế biến thực phẩm.
Trong Khối ASEAN, có 8 quốc gia áp dụng chính sách bắt buộc tăng cường I-ốt vào muối ăn và muối dùng trong chế biến thực phẩm gồm: Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Singapore, Indonesia, Malaysia và Phillipin; chỉ có 2 quốc gia áp dụng chính sách khuyến khích là Singapore và Brunei. Tại 8/8 quốc gia bắt buộc tăng cường i-ốt, hiệu quả của chính sách trên diện rộng đã được ghi nhận nhất quán, điển hình là chỉ số I-ốt niệu trung vị ở trẻ em gia tăng nhanh chóng sau khi chính sách được triển khai[1]. Tăng cường vi chất dinh dưỡng trên diện rộng đã có lịch sử thành công hơn 50 năm qua.[2]
Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 76 năm 2023 đã thông qua Nghị quyết về Đẩy mạnh phòng ngừa tình trạng thiếu VCDD thông qua việc tăng cường VCDD vào thực phẩm an toàn và hiệu quả. WHO khuyến nghị mạnh mẽ việc tăng cường i-ốt cho tất cả muối ăn dùng trong hộ gia đình và chế biến thực phẩm[3]: “Tất cả muối ăn, sử dụng trong gia đình và chế biến thực phẩm, đều cần được tăng cường i-ốt như một chiến lược an toàn và hiệu quả để phòng ngừa và kiểm soát các rối loạn do thiếu hụt i-ốt ở các quần thể sống trong môi trường ổn định và khẩn cấp”[4].
4. Bộ Y tế khẳng định không có bất kỳ lo ngại nào liên quan đến việc toàn dân sử dụng muối i-ốt, bao gồm muối i-ốt dùng trong hộ gia đình và trong chế biến thực phẩm, tại Việt Nam chưa bao giờ có trường hợp người dân thừa i-ốt
Theo báo cáo của Bệnh viện Nội tiết trung ương và Viện Dinh dưỡng, hiện nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân thừa i-ốt. Kết quả tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2019-2020 cho thấy, ở tất cả các nhóm đối tượng, mức trung vị I-ốt niệu đều thấp hơn so với khuyến cáo (số liệu cụ thể ở phần thực trạng). Tỷ lệ người có nồng độ i-ốt niệu vượt quá ngưỡng 300 ppm là 0% (ngưỡng > 300ppm là ngưỡng có i-ốt niệu cao) [5]. Với kết quả này, khẳng định quần thể người dân Việt Nam vẫn còn chưa đạt đủ lượng i-ốt tiêu thụ hàng ngày so với khuyến nghị. Cho đến nay, chưa có một y văn nào đề cập đến chương trình sử dụng muối i-ốt toàn dân (từ năm 1994- đến nay) dẫn đến hệ quả về bệnh lý tuyến giáp.
Bản thân thiếu i- ốt hoặc i-ốt cao gây ra các bệnh về tuyến giáp cũng được xếp vào hậu quả của thiếu i- ốt, đây là đánh giá xếp loại của WHO. Trên vùng thiếu i- ốt nặng sẽ gây ra tăng tỷ lệ cường giáp trên những nhân tuyến giáp tự miễn và trên những người bị cường giáp dưới lâm sàng khi thực hiện bổ sung I ốt. Theo WHO, sau 5-10 năm bổ sung i- ốt thường xuyên, thì tỷ lệ mắc cường giáp sẽ suy giảm, tương ứng với những vùng không bị thiếu I ốt. Cường giáp là bệnh tự miễn, điều trị nội khoa bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp là chủ yếu. Nếu điều trị nội khoa thất bại hoặc yếu tố miễn dịch vẫn còn cao sau thời gian dài điều trị nội khoa thì nên lựa chọn phẫu thuật hoặc điều trị xạ. .
Ung thư tuyến giáp là bệnh ác tính thường gặp nhất của hệ nội tiết, đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu. Theo số liệu GLOBOCAN năm 2020 của Cơ quan quốc tế nghiên cứu về ung thư (IARC) ung thư tuyến giáp đứng hàng 11 về số ca mắc mới ung thư, chiếm 3% trong tổng số ca mắc mới của tất cả các loại ung thư [1].
Tại Mỹ tỷ lệ mắc mới tăng từ 4,9 lên 14,3 trên 100.000 người (tăng 9,4/100.000 người) trong giai đoạn 1975 – 2009, trong đó mức tăng tuyệt đối ở nữ giới (từ 6,5 lên 21,4 = 14,9/100.000 phụ nữ) cao gấp 4 lần so với nam giới (từ 3,1 lên 6,9 = 3,8/100.000 nam giới)[2].
Tại Việt Nam, theo số liệu của GLOBOCAN năm 2020, cũng như tình hình trên thế giới, ung thư tuyến giáp đứng hàng thứ 10 về số ca mắc mới, đứng thứ 6 ở nữ giới về tỷ lệ mắc mới trong tất các loại ung thư, gấp 4 lần so với nam giới [1].
Nguyên nhân ung thư tăng do sự phát triển phát triển kỹ thuật và ý thức của người dân khám phát hiện sớm. Chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định thừa i- ốt gây ra ung thư tuyến giáp.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan nghiên cứu khác nhấn mạnh rằng tăng cường VCDD trên quy mô lớn là một biện pháp can thiệp y tế công cộng hiệu quả nhằm ngăn ngừa thiếu hụt VCDD, phù hợp với cam kết chung Thập kỷ Hành động vì Dinh dưỡng của Liên Hợp Quốc và các khuyến nghị hiện tại của WHO. Trong đóđặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường VCDD vào thực phẩm để giải quyết tình trạng thiếu VCDD phổ biến trên toàn cầu không dẫn đến bất kỳ nguy cơ nào về độc tính hay bổ sung quá mức7, [6].
5. Cách đây 08 năm, các doanh nghiệp cũng đưa ra các kiến nghị, tuy nhiên thiếu căn cứ và bằng chứng
Trước ý kiến, kiến nghị liên quan đến việc sử dụng muối tăng cường I-ốt bị biến đổi về màu sắc, mùi vị hoặc ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ người tiêu dùng của Hiệp hội, hội về thực phẩm trong thực hiện Nghị định số 09/2016/NĐ-CP, ngày 14/3/2017, Bộ Y tế đã có Công văn số 1216/BYT-PC trả lời ý kiến của doanh nghiệp trong triển khai Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 09/2016/NĐ-CP gửi các cơ sở sản xuất, kinh doanh muối, thực phẩm, hiệp hội về thực phẩm tại Việt Nam. Tại Khoản 4 Công văn nêu rõ: “Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm và Vụ Pháp chế) chủ động tiếp nhận, hoan nghênh mọi thông tin, phản ánh của doanh nghiệp kèm theo các bằng chứng khoa học để có phương giải quyết kịp thời theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết nếu sản phẩm thực phẩm có sử dụng muối tăng cường i-ốt bị biến đổi về màu sắc, mùi vị hoặc ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng”. Tuy nhiên 08 năm nay, Bộ Y tế chưa nhận được bất kỳ bằng chứng khoa học nào của doanh nghiệp liên quan đến việc sử dụng muối tăng cường i-ốt bị biến đổi về màu sắc, mùi vị hoặc ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ người tiêu dùng. Như vậy, các kiến nghị không chính xác, không có cơ sở khoa học của doanh nghiệp trước đó là cản trở, đã dẫn đến chậm thực thi Nghị định số 09/2016/NĐ-CP 08 năm.
Và cũng chính vì kiến nghị của doanh nghiệp mà ngày 15 tháng 5 năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, trong đó có giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 09/2016/NĐ-CP theo hướng chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng sử dụng muối i-ốt. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã tiến hành nghiên cứu và kết quả 02 lần đều cho thấy thực trạng thiếu hụt i-ốt của người dẫn vẫn ở ngưỡng cộng đồng. Do đó, WHO, UNICEF, Mạng lưới i-ốt toàn cầu, HealthBridge Canada, Bộ Y tế và một số chuyên gia bảo vệ sức khoẻ khuyến cáo mạnh mẽ Chính phủ giữ nguyên các quy định bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm tại Nghị định 09/2016-NĐ-CP.
Tại buổi làm việc với doanh nghiệp vào ngày 30/10/2024 vừa qua, Lãnh đạo Bộ Y tế có ý kiến sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp để tiến hành nghiên cứu thực tế tại cơ sở sản xuất có sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm để làm rõ về ảnh hưởng của muối i ốt đối với sản phẩm của doanh nghiệp. Trường hợp bằng chứng khoa học cho thấy việc sử dụng muối i-ốt làm thực phẩm bị biến đổi về màu sắc, mùi vị hoặc ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng thì sẽ đề nghị Chính phủ loại trừ đối với các sản phẩm này trong Nghị định.