Tại điểm cầu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hậu Giang, có ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng với các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh, đại diện các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh tham dự.
Chiến dịch sẽ thực hiện tiêm cho tất cả người dân trên 18 tuổi từ tháng 7-2021 tới tháng 4-2022. Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, với 150 triệu liều vắc xin, có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông và Giao thông Vận tải; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các bộ, ngành khác. Việt Nam đã và đang đàm phán đặt mua vắc xin từ nay đến tháng 4/2022. Mục đích thực hiện chiến dịch nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã có báo cáo sơ lược về quá trình đàm phán, chủ động trong ngoại giao vắc-xin và tăng cường sản xuất vắc-xin trong nước. Theo đó, từ giữa năm 2020 đến nay thông qua quá trình làm việc, đàm phán, Việt Nam được các bên cam kết có hơn 100 triệu liều vắc-xin trong năm 2021 và 150 triệu liều sẽ có vào cuối năm 2021 đầu năm 2022. Riêng trong tháng 7, sẽ có hơn 9 triệu liều vắc-xin sẽ về đến Việt Nam. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng như dự kiến vào cuối năm 2021 đầu năm 2022.
Tại buổi Lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đây là đợt tiêm chủng lớn nhất lịch sử nước nhà, do đó đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của Nhân dân, để có thể hoàn thành mục tiêu lịch sử, đưa cuộc sống dần ổn định trong tình trạng bình thường mới. Thủ tướng cũng lưu ý: Mục tiêu của Chiến lược vắc-xin được đề ra là đủ vắc-xin phòng Covid-19 tiêm hàng năm, mọi người đều được tiếp nhận công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả, nhằm đảm bảo 75 triệu người dân trong độ tuổi được tiêm vắc-xin với tổng số trên 155 triệu mũi tiêm. Tiến tới đảm bảo sản xuất được vắc-xin trong nước nhằm thuận lợi, chủ động cung cấp cho người dân. Thủ tướng nhắc nhở Bộ Y tế và các lực lượng có liên quan cần điều phối tốt công tác tiêm chủng, xây dựng kịch bản chặt chẽ trong bảo quản vắc-xin, bảo đảm an toàn tiêm chủng: Sớm nhất, nhanh nhất nhưng phải an toàn nhất trong chiến dịch lịch sử lần này. Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với công tác phòng, chống dịch tại “điểm nóng” Thành phố Hồ Chí Minh, mong muốn cả nước tiếp tục hướng về thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành có dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thủ tướng còn biểu dương lực lượng tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là ngành y tế, cùng các lực lượng khác và Nhân dân đã đồng tình, ủng hộ, kêu gọi mọi người tiếp tục đồng hành, chia sẻ và đề cao trách nhiệm với cộng đồng trong giai đoạn chống dịch mới tới đây.