Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Phòng, chống dịch không thể “ngăn sông cấm chợ”, mỗi nơi làm một kiểu

Thứ sáu - 21/01/2022 14:28
Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cùng lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội, Sở Y tế và các đơn vị có liên quan tham dự tại điểm cầu trực tuyến Hội trường Sở Y tế tỉnh. (Ảnh: Bích Thiện – CDC tỉnh)
Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cùng lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội, Sở Y tế và các đơn vị có liên quan tham dự tại điểm cầu trực tuyến Hội trường Sở Y tế tỉnh. (Ảnh: Bích Thiện – CDC tỉnh)
Ngày 20-1, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác y tế năm 2021 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì và chỉ đạo hội nghị.
Năm 2021, ngành y tế cả nước đối diện với bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp chưa có tiền lệ, khó khăn thách thức chưa từng có, nhưng cũng để lại những dấu ấn đặc biệt trong hoạt động của ngành. Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm qua đã đạt được 15/18 chỉ tiêu được giao. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã được thực hiện tốt, ngăn chặn không để dịch leo thang lên mức khủng hoảng hay thảm họa y tế. Việt Nam có số trường hợp nhiễm bệnh xếp thứ 144 và tỷ lệ tử vong xếp thứ 58/223 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Gần như 100% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc-xin mũi 1, mũi 2 đạt trên 95%. Đã triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt kết quả tích cực. Bên cạnh phòng, chống dịch Covid-19, ngành tập trung phòng, chống các dịch bệnh khác hiệu quả, không để “dịch chồng dịch”, số mắc hầu hết các loại dịch bệnh đều giảm so với năm 2020.
Theo các đại biểu, hoạt động ngành y tế cả nước năm qua bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch xảy ra, thiếu cơ sở, trang thiết bị, nhân lực. Do áp lực công việc, có hàng nghìn trường hợp xin nghỉ việc càng làm gia tăng nguy cơ thiếu nhân lực y tế. Có những hạn chế về quản lý nhà nước, phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong ngành. Năm 2022, ngành y tế phấn đấu đạt tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 92%, số bác sĩ trên 10.000 dân là 9,4; số giường bệnh trên 10.000 dân là 29,5,… 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương thành tích, thành tựu của ngành y tế năm 2021, nhất là phòng, chống dịch Covid-19 là điểm sáng, nổi bật nhất, kịp thời chuyển trạng thái từ không Covid-19 sang thích ứng an toàn linh hoạt. Luôn đặt mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe người dân trên hết, trước hết, đảm bảo tiếp cận y tế nhanh nhất cho người bệnh. Trong năm 2022, ngành cần phát huy những cách làm hiệu quả và khắc phục bằng được ngay các hạn chế, tham mưu hoàn thiện thể chế liên quan ngành y tế. Khắc phục ngay hạn chế, yếu kém của y tế cơ sở. Rà soát lại chính sách, chế độ, thu hút được nguồn lực y tế, có  giải pháp phối hợp y tế công - tư. Đầu tư phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Phải có chiến lược lâu dài đào tạo nguồn nhân lực y tế. Tiếp tục triển khai hiệu quả công thức phòng chống dịch Thông điệp “5K + vắc-xin, thuốc đặc hiệu + biện pháp điều trị + công nghệ + ý thức của Nhân dân + các biện pháp khác”. Cụ thể hóa công tác phòng, chống dịch Covid-19, tập trung bảo vệ người có nguy cơ cao, người dễ bị tổn thương. Tập trung quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng. Nắm chắc tình hình dịch, đặc biệt cảnh giác với các chủng mới. Thần tốc, tập trung mọi nguồn lực bao phủ vắc-xin theo nguyên tắc an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả. Chủ động thuốc điều trị và hướng dẫn sử dụng thuốc, chống đầu cơ, buôn lậu, tiêu cực, tham nhũng. Tăng cường quản lý bệnh nhân Covid-19 tại nhà. Các biện pháp phòng, chống dịch phải thống nhất trên toàn quốc, không thể “ngăn sông cấm chợ”, mỗi nơi làm một kiểu. Bên cạnh đó, nghiên cứu tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi…
                                                                  

Tác giả bài viết: Hồng Diễm – Báo Hậu Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

[SITE_BTN_TOOL]