Sàng lọc sơ sinh (SLSS) giúp phát hiện và điều trị kịp thời những căn bệnh tiềm ẩn ở trẻ, góp phần hạn chế các di chứng để lại.
Cộng tác viên dân số ấp Long Phụng A, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, luôn tích cực tư vấn cho chị em phụ nữ những hiệu quả từ việc SLSS.
Người dân ý thức
Đang bế con trai gần 2 tháng tuổi trên tay, chị Hồ Như Ngọc, ở ấp 3A, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Cũng nhờ SLSS mà tôi biết được con có nguy cơ thiếu men G6PD. Các bác sĩ cũng tư vấn cho tôi những kiến thức liên quan đến bệnh này, giúp bản thân chủ động, hạn chế các tác nhân gây ảnh hưởng sức khỏe con. Tôi sinh cả hai cháu đều thực hiện SLSS, vì điều này rất cần thiết”. Chị Ngọc dự định vài ngày tới, sẽ đưa con tái kiểm tra để biết cụ thể tình trạng sức khỏe, nhằm có phương án điều trị phù hợp.
Thiếu men G6PD là một loại bệnh di truyền gây tình trạng vàng da sơ sinh, nếu kéo dài có thể tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý về não hay gây ra các biến chứng nguy hiểm như chậm phát triển trí tuệ, vận động, thần kinh... Người bệnh thiếu men G6PD có hồng cầu kém ổn định và dễ bị tổn thương bởi các tác nhân oxy hóa mà cơ thể hấp thụ được từ thức ăn, thuốc.
Còn chị Huỳnh Trà Mi, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, sau khi thực hiện SLSS cho con trai đầu lòng, cả gia đình đều vui mừng khi sức khỏe cháu ổn định. Chị Mi bộc bạch: “Tôi được cộng tác viên tư vấn, rồi cập nhật thêm thông tin trên báo, đài nên hiểu lợi ích mà SLSS mang lại. SLSS sẽ tầm soát những căn bệnh, giúp đề phòng và hạn chế ảnh hưởng không hay đối với sự phát triển của trẻ về sau. Tôi nghĩ số tiền vài trăm ngàn đồng là không nhiều so với sức khỏe của con”.
SLSS cần được thực hiện trong 48 giờ đầu khi trẻ sinh ra. Việc SLSS không hề ảnh hưởng đến sức khỏe hay sự phát triển của trẻ nhưng sẽ phát hiện sớm bệnh lý bẩm sinh nhằm điều trị kịp thời. Nhờ đó, giúp trẻ có cơ hội phát triển bình thường, tránh được bệnh tiến triển nhanh, giảm chi phí điều trị, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Nỗ lực từ ngành dân số
Người dân giờ đây ngày càng có nhận thức đúng đắn và biết được lợi ích mà việc SLSS mang đến. Họ sẵn sàng thực hiện dù phải tốn kém chi phí. Nhận thức người dân được nâng cao cũng bắt nguồn từ sự chủ động, tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nơi ngành dân số, đảm bảo từ chiều rộng lẫn chiều sâu. Việc tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức thiết thực, phong phú, đa dạng như truyền thông nhóm, phát tờ rơi, dịp tiêm chủng tại trạm y tế, tư vấn tận hộ gia đình,…
Chị Tô Thị Giang, cộng tác viên dân số ấp Long Phụng A, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Để làm tốt công tác tuyên truyền, tôi luôn nắm danh sách và quản lý tất cả các thai phụ trong địa bàn. Khi các chị chuẩn bị sinh mình đến nhắc lại việc thực hiện SLSS. Ở ấp Long Phụng A, 100% trẻ sinh ra đều được SLSS”.
Thời gian qua, có nhiều lớp tập huấn về SLSS cho cán bộ dân số cũng được mở từ tỉnh đến cơ sở. Nhờ đó, cán bộ, cộng tác viên dân số được trang bị kiến thức về chuyên môn, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn và quản lý, theo dõi đối tượng… Chị Trần Thị Hồng Tươi, cán bộ chuyên trách dân số xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, thông tin: “Tôi sẽ tuyên truyền những địa điểm có thể thực hiện SLSS để chị em biết mà đến thực hiện. Với những hộ có trẻ khi thực hiện SLSS mà phát hiện bệnh, tôi thường đến vãng gia để kiểm tra tình trạng, động viên họ tái khám, điều trị kịp thời”.
Nâng cao chất lượng dân số luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. Để đạt được hiệu quả, điều cần thiết là phải nâng cao nhận thức người dân để họ tự ý thức, chủ động thực hiện. Sinh ra một đứa con lành lặn, khỏe mạnh không chỉ mang lại hạnh phúc cho mỗi gia đình mà còn hướng đến lợi ích chung của toàn xã hội.
SLSS sẽ giúp trẻ phát hiện sớm các bệnh
SLSS sẽ giúp trẻ phát hiện sớm các bệnh như thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh… Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 1.519/3.680 trẻ sinh ra được SLSS, chiếm tỷ lệ 41,27%. Trong đó, 27 trường hợp thiếu men G6PD và 4 trường hợp suy giáp bẩm sinh. |
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG