Càng tự hào về truyền thống cách mạng của thế hệ cha anh đi trước bao nhiêu thì tuổi trẻ càng nỗ lực phấn đấu, trưởng thành bấy nhiêu.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã kết thúc cách nay 44 năm, nhưng mỗi khi nhắc lại thì hào khí anh hùng cách mạng trổi dậy trong lòng mỗi người con đất Việt.
Đó là ngọn lửa truyền thống sáng ngời, giúp soi đường dẫn lối, thôi thúc thanh niên cả nước nói chung, Hậu Giang nói riêng vững bước trên con đường lập thân, lập nghiệp, góp phần vào công cuộc dựng xây và phát triển quê hương hôm nay.
Anh Hoàng Hai bên vườn cây giống chủ lực của HTX.
Quyết chí sẽ thành công
Là thanh niên thế hệ 8X nên với anh Dương Hoàng Hai, ở ấp Sơn Phú 1, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, những dịp tham gia hoạt động đoàn, nhất là trực tiếp thực hiện công trình, phần việc hay hành quân về nguồn đều rất ý nghĩa.
Thông qua từng hoạt động thiết thực như thế đã giúp anh am hiểu hơn về lịch sử, truyền thống cách mạng của dân tộc. Đồng thời được trải nghiệm, trang bị thêm kiến thức cùng kỹ năng xã hội cần thiết cho công việc, cuộc sống.
Đó cũng là động lực thúc đẩy người thanh niên sinh năm 1986 này quyết tâm theo đuổi đam mê khởi nghiệp trên chính mảnh vườn, thửa ruộng tại quê nhà. Cụ thể, cách đây 6 năm, anh tích cực tham gia thành lập và bắt đầu gắn bó cùng Hợp tác xã (HTX) Thanh niên Đại Thành cho đến nay. Đáng nói là HTX đang khẳng định chỗ đứng vững chắc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cây giống các loại.
Anh Hai cho biết: “Hầu hết các thành viên HTX đều có tuổi đời trẻ, khỏe nên rất nhiệt huyết trong công việc. Ngoài ra, HTX còn tọa lạc tại vị trí thuận lợi, giáp ranh địa phương trong và ngoài tỉnh với diện tích trồng cây ăn trái khá lớn nên sản phẩm làm ra bước đầu được tiêu thụ hết. Hiện khách hàng chủ yếu của HTX là các đại lý phân phối cây giống khu vực Tây Nguyên, miền Bắc, các dự án Nhà nước hỗ trợ cây giống cho bà con nông dân, các trang trại…”.
Mỗi năm, bình quân HTX Thanh niên Đại Thành cung cấp ra thị trường khoảng 256.000 cây giống các loại, trong đó cây có múi 160.000 cây, còn lại là các giống cây trồng chủ lực khác với tổng doanh thu gần 5 tỉ đồng. Bên cạnh đó, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động, thu nhập ổn định từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng.
Với những đóng góp tích cực cho HTX, kể cả phong trào thanh niên ở địa phương, năm qua, anh Dương Hoàng Hai vinh dự là 1 trong 50 thanh niên nông thôn trong cả nước được trao Giải thưởng Lương Định Của. Đây là giải thưởng tuyên dương cho các nông dân trẻ có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề nông thôn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới.
Phần thưởng còn là nguồn động viên cho những thanh niên tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; có đóng góp xứng đáng trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; có uy tín và ảnh hưởng tích cực trong thanh thiếu nhi và xã hội.
“Muốn thành công phải biết phát huy thế mạnh của thanh niên, không nóng vội, không ngại khó và phải quyết tâm thực hiện đến cùng; dám nghĩ dám làm nhưng phải phù hợp khả năng của bản thân”, anh Hai chia sẻ.
Vì cuộc sống cộng đồng
Tham gia Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp” tỉnh lần thứ I năm 2019, thanh niên Hậu Giang có 7 dự án lọt vào vòng chung kết. Tất cả dự án đó đều mang mang đậm dấu ấn vươn lên lập thân, lập nghiệp, chung tay vì cuộc sống cộng đồng.
Nổi bật là dự án kinh doanh đoạt giải khuyến khích của anh Hồ Văn Tuấn, Phó Bí thư Đoàn Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, thông qua sản phẩm “Thiết bị tự động lọc nước mặt và nước ngầm thành nước sinh hoạt bằng năng lượng xanh”.
Sản phẩm trên là thiết bị được lập trình tự động hoàn toàn nhờ các boad mạch và cảm biến ở tất cả giai đoạn: xả cặn, bơm nước vào, xử lý keo tụ nước bằng công nghệ tiên tiến tạo nguồn nước sinh hoạt đảm bảo tiêu chuẩn Bộ Y tế quy định. Thiết bị có thể vận hành bằng nguồn điện 220V, điện bình ắc quy 12VDC, pin mặt trời hoặc tubin gió nên thích hợp lắp đặt trong điều kiện vùng sâu, vùng xa không có điện lưới quốc gia, vùng bị cô lập do ngập lụt.
Công suất tạo nước sinh hoạt 500 lít/2 giờ, 1.000 lít/2 giờ… tùy vào dung tích bình chứa, nhưng giá thành thấp (thiết bị dành cho 1 hộ sử dụng). Đặc biệt, sản phẩm nâng cấp của thiết bị có thể thay thế một nhà máy nước mini công suất 12m3/ngày, có thể cung cấp nước sinh hoạt cho 5-10 hộ dân lân cận cùng sử dụng, trong khi chi phí đầu tư của mỗi hộ dao động từ 1,3-3,3 triệu đồng.
Lý giải vì sao mình lại ấp ủ ý tưởng và quyết tâm sáng chế ra thiết bị độc đáo này, anh Tuấn kể bản thân từng có 6 năm sống trong điều kiện không có nước sạch phải dùng nước sông lóng phèn để sinh hoạt tại xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh…
Nhờ tính ứng dụng cao trong cuộc sống nên thiết bị đang được nhiều hộ dân trong và ngoài tỉnh lắp đặt. “Tôi mong muốn được phối hợp với cơ quan đoàn cấp trên triển khai, thực hiện chương trình đưa nước sạch về nông thôn thông qua nguồn kinh phí xã hội hóa. Từ đó vừa có thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm rộng rãi đến người dân các địa phương trong tỉnh vừa tạo sức lan tỏa đến bà con ở các tỉnh bạn biết và sử dụng thiết bị”, anh Tuấn bày tỏ.
Để có được thành công như ngày hôm nay, anh Tuấn phải trải qua không ít khó khăn, trở ngại ban đầu. “Lợi thế duy nhất của tôi là đang giảng dạy môn sinh học nên công nghệ xử lý nước có thể chủ động được. Còn kiến thức về tự động hóa cũng như chi phí để thực hiện ý tưởng đều do bản thân tự mày mò nghiên cứu và tận dụng khoản vay tín chấp tương đối thấp từ ngân hàng”, anh Tuấn bày tỏ.
Qua đó càng chứng minh thêm ý chí của tuổi trẻ, những con người tràn đầy nhiệt huyết, quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực bằng sự sáng tạo, nghị lực từ chính bản thân để không chỉ mang về vinh quang cho mình mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. “Sắp tới, tôi sẽ thuê lực lượng lắp ráp thiết bị là các học viên nghèo của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, giúp các em có thêm thu nhập, trang trải việc học tập”, anh Tuấn thông tin thêm.
Khát vọng cùng những đóng góp nhất định vào sự phát triển chung của quê hương Hậu Giang thời gian qua là minh chứng sinh động nhất cho ý chí vươn lên, vì mục tiêu, lý tưởng sống đẹp, sống cống hiến vì cộng đồng, xã hội một cách vô điều kiện của các thế hệ thanh niên tỉnh nhà.
***
Chắc chắn khát vọng ấy sẽ còn tiếp nối và vang mãi như lời bài hát “Khát vọng tuổi trẻ” của nhạc sĩ Vũ Hoàng: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta/ Mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.
Bài, ảnh: NGUYỄN NGUYỄN
Nguồn tin: www.baohaugiang.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn