Chưa ghi nhận ca bệnh vẫn không chủ quan
Từ đầu năm đến nay, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, chưa có ca bệnh SXH, nhưng hoạt động tuyên truyền vận động trong tuần lễ này được quan tâm thực hiện.
Tại các ấp đã thành lập nhiều nhóm đi vãng gia tuyên truyền từng nhà dân. Ông Phạm Văn Út Em, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Mỹ Thành A, cho biết: “Ấp thành lập 2 nhóm, mấy ngày nay đi đến từng nhà dân cùng các gia đình kiểm tra điều kiện vệ sinh môi trường xung quanh và trong nhà, kiểm tra lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước, hướng dẫn người dân diệt muỗi, lăng quăng, phòng tránh muỗi đốt phòng bệnh SXH”.
Ấp Mỹ Thành A có 369 hộ dân, hai nhóm đi vãng gia sẽ thực hiện tuyên truyền đến 100% nhà dân đến ngày 21-6.
Chị Lê Thị Trúc Xuân, ở ấp Mỹ Thành A, chia sẻ: “Tôi biết bệnh SXH là do muỗi truyền, không có lăng quăng, phòng tránh muỗi đốt là phòng được bệnh. Bệnh có thể mắc ở cả người lớn chứ không riêng trẻ em. Nhà có các dụng cụ chứa nước tôi lấy nắp đậy”.
Đa phần người dân đã có kiến thức, các lu, kệu chứa nước trong nhà hầu hết được đậy kín. Tuy nhiên, theo ông Út Em, có một số dụng cụ chứa nước để rửa tay, chân, sử dụng thường xuyên người dân chưa đậy nắp, nhất là các lu, hủ không sử dụng để ngoài trời, các vật dụng đọng nước xung quanh nhà có đọng nước. Chúng tôi đã vận động và cùng người dân dọn sạch. Một điều mà ông Út Em còn trăn trở là tình trạng ly nhựa người đi đường uống nước rồi vứt dọc hai bên đường, mưa xuống đọng nước nếu không kịp thời dọn, đổ sẽ là nơi lăng quăng, muỗi phát triển gây bệnh SXH.
Để công tác phòng, chống bệnh này hiệu quả, xã Hòa Mỹ xác định vai trò của người dân là quyết định. Ông Lê Thanh Tuấn, cán bộ phụ trách công tác phòng, chống dịch bệnh, Trạm Y tế xã Hòa Mỹ, chia sẻ: “Chỉ khi người dân chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch mới phòng dịch hiệu quả. Chỉ sau vài đám mưa, nếu người dân không quan tâm dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, môi trường xung quanh, đậy kín các dụng cụ chứa nước, úp vật dụng có thể đọng nước xung quanh nhà… là nơi chứa lăng quăng, muỗi sinh sản, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ca bệnh”.
Năm nay chưa ghi nhận ca bệnh sốt xuất huyết, nhưng qua nhiều năm làm công tác này ở xã, ông Tuấn cho hay số mắc thường xảy ra thời điểm cuối năm nên không thể chủ quan, lơ là.
Nỗ lực kéo giảm số ca mắc bệnh thấp nhất
Đối với các địa bàn có ca bệnh cao, hoạt động hưởng ứng được thực hiện quyết liệt nhằm hướng đến mục tiêu kéo giảm số ca bệnh mới trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thùy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, cho biết: “Số ca bệnh SXH của huyện hiện cao nhất tỉnh, nhưng đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Đặc điểm ở huyện tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh diễn biến khó lường. Ngoài nguyên nhân do thời tiết thì huyện là địa bàn đô thị hóa nhanh, có khu công nghiệp và tập trung đông công nhân từ những huyện, tỉnh, thành phố khác đến ở và lao động, nguy cơ mang mầm bệnh từ nơi khác đến là khó tránh khỏi. Người dân còn chưa quan tâm thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng, phòng tránh muỗi đốt thường xuyên”.
Ứng phó với nguy cơ trên, Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền đến 100% hộ dân trên địa bàn trong tuần lễ này. Hội, đoàn thể huyện cũng tuyên truyền trong lực lượng hội viên, đoàn viên, nhân dân. Nhằm kêu gọi tất cả người dân chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch SXH thường xuyên.
Ngoài giải pháp truyền thông, để kéo giảm số ca bệnh, ngành y tế huyện tăng cường giám sát, xử lý môi trường không để dịch lây lan diện rộng khi có ca bệnh hay ổ dịch xảy ra. Bà Thùy Linh cho biết thêm: “Chúng tôi luôn đảm bảo đủ hóa chất, vật tư, thuốc để điều trị và xử lý ổ dịch hạn chế thấp nhất số ca mắc, không để xảy ra dịch lớn và không xảy ra trường hợp tử vong do bệnh SXH”.
Mục tiêu này không riêng huyện Châu Thành mà còn là mục tiêu chung của tỉnh.
Ông Đỗ Phát Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Tính đến giữa tháng 6, tỉnh ghi nhận trên 100 ca bệnh SXH, số mắc có giảm so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên theo số liệu giám sát dịch những tuần gần đây số mắc có chiều hướng gia tăng. Trong khi, thời tiết hiện tại nắng nóng xen kẽ với những đợt mưa là điều kiện thuận lợi để lăng quăng, muỗi sinh sản, phát triển. Bệnh SXH lưu hành suốt năm, mầm bệnh lưu truyền nhiều ở cộng đồng. Người lớn nghĩ mình không bị bệnh, khi sốt hay mua thuốc uống, đến khi có triệu chứng lâm sàng rõ ràng mới biết bệnh SXH, ảnh hưởng đến tiến độ điều trị và cả công tác dự phòng”.
Ngành y tế dự báo tình hình dịch có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới nếu không chủ động, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống hiệu quả.
Vào tháng 4, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người tỉnh đã triển khai 1 chiến dịch tương tự đã cho thấy hiệu quả góp phần kéo giảm số mắc. Chiến dịch Hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống bệnh SXH lần thứ 14 đang phát động được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả tích cực kéo giảm số ca mắc thấp nhất, không có trường hợp tử vong, không xảy ra dịch lớn ở tỉnh trong năm nay, duy trì kết quả là tỉnh có số mắc SXH trong tốp thấp của 20 tỉnh, thành phố phía Nam.
Vắc-xin phòng bệnh SXH dự kiến có vào tháng 9 tới, được chỉ định tiêm cho trẻ từ 4 tuổi trở lên Ông Đỗ Phát Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Bệnh SXH hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Về vắc-xin phòng bệnh SXH là 1 trong 40 loại vắc-xin vừa được Cục Quản lý Dược công bố cấp phép lưu hành tại Việt Nam hồi tháng 5-2024. Dự kiến sẽ có vắc-xin vào tháng 9 tới. Vắc-xin được chỉ định tiêm cho trẻ từ 4 tuổi trở lên. Ngay cả những người đã mắc bệnh SXH cũng có thể tiêm và không cần làm xét nghiệm máu. Lịch tiêm gồm 2 mũi, mũi 2 cách mũi 1 là 3 tháng. Vắc-xin bảo vệ được 4 tuýp Dengue 1, 2, 3, 4 và có hiệu quả bảo vệ 80% kể từ tiêm mũi 2. Thời gian bảo vệ là 4 năm”. |
Tác giả bài viết: Bài, ảnh: Bích Thiện - Hồng Diễm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn