Cùng với các tỉnh, thành trong cả nước, ngành y tế Hậu Giang đang khẩn trương chuẩn bị kế hoạch, điều kiện tiêm chủng và sẽ tiến hành ngay khi nhận vắc-xin và chỉ đạo từ Bộ Y tế. Xoay quanh công tác này, phóng viên Báo Hậu Giang có trao đổi với bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Phát Hưng (ảnh), Phó Giám đốc Sở Y tế. |
Về phía các địa phương, cũng đã chuẩn bị phương án huy động lực lượng từ các ngành, đoàn thể ở cơ sở, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở để phối hợp, hỗ trợ công tác tiêm phòng. Đặc biệt là vận động cha mẹ, phụ huynh, người giám hộ đồng ý cho trẻ tiêm phòng và theo dõi phản ứng sau tiêm.
Vắc-xin tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là vắc-xin gì? Khi nào thì ngành y tế tỉnh triển khai tiêm cho trẻ, thưa ông ?
- Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, vắc-xin sử dụng tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong chiến dịch tiêm chủng sắp tới gồm 2 loại là vắc-xin Pfizer và Moderna. Riêng vắc-xin Moderna chỉ sử dụng cho trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi. Trẻ tiêm mũi 1 vắc-xin nào thì tiêm mũi 2 bằng vắc-xin đó, không được tiêm trộn giữa vắc-xin Pfizer và Moderna.
Dự kiến chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ triển khai trong tháng 4, 5, 6 tức quý II của năm nay.
Ngành y tế tỉnh sẽ triển khai trong thời gian này, ngay khi được phân bổ vắc-xin từ Bộ Y tế.
Việc triển khai tiêm có khác gì so với các đợt tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đã thực hiện trước đây ?
- Trong đợt tiêm vắc-xin này, chúng ta tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi nên khả năng giao tiếp của các cháu vẫn còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào sự chăm sóc của cha mẹ, phụ huynh, người giám hộ, thầy cô giáo.
Do đó, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ độ tuổi này đòi hỏi cán bộ y tế không chỉ có kỹ năng thực hành tiêm chủng an toàn và xử lý phản ứng sau tiêm thuần thục, mà cần phải có một số kỹ năng quan trọng khác, đó là: Kỹ năng gợi mở, khai thác thông tin về tiền sử sức khỏe, bệnh tật, tiêm chủng của trẻ… đảm bảo tính chính xác và không để sót thông tin trong phiếu tiêm chủng.
Ông có lưu ý gì đối với các bậc phụ huynh trong việc chăm sóc dinh dưỡng và tinh thần giúp trẻ thoải mái trước, trong và sau khi tiêm vắc-xin ?
- Để giúp trẻ thoải mái hơn khi đi tiêm chủng và sau tiêm chủng, các bậc phụ huynh hãy trao đổi với trẻ trước khi đi tiêm chủng. Cho trẻ ăn uống đầy đủ trước khi tiêm. Thực hiện nghiêm “Thông điệp 5K” tại điểm tiêm.
Sau khi tiêm chủng, cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng nghiêm trọng nếu có... Đồng thời, các gia đình cần theo dõi liên tục sức khỏe của trẻ trong vòng 28 ngày sau tiêm, đặc biệt 48 giờ đầu. Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng.
Nếu phụ huynh phát hiện vị trí tiêm của trẻ bị sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ thì cần tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.
Một lưu ý nữa là phải thường xuyên đo thân nhiệt cho trẻ sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Nếu trẻ sốt dưới 38,50C thì phụ huynh tiến hành cởi bớt, nới lỏng quần áo, lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước, tuy nhiên, không để trẻ nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút. Nếu trẻ sốt từ 38,50C trở lên, phụ huynh cần sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời.
Thống kê số lượng trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn tỉnh.
Xin cảm ơn ông !
Tác giả bài viết: NHẬT MINH thực hiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn