* Thưa PGS, xin ông cho biết mục tiêu của đợt tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em lần này trên địa bàn tỉnh?
- Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp hiện nay thì tiêm vắc-xin là một trong những biện pháp hiệu quả, chủ động để phòng Covid-19 và giảm các biến chứng và tử vong nếu không may mắc phải.
Từ ngày 4 đến ngày 6-11, tỉnh sẽ tiến hành tiêm vắc-xin Pfizer phòng Covid-19 cho trẻ từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi trên địa bàn, với mục tiêu trong tháng 11 và tháng 12-2021 là toàn tỉnh hoàn thành tiêm chủng mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và tổ chức tiêm chủng cho nhóm đối tượng trẻ từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đảm bảo bao phủ miễn dịch cộng đồng cho tất cả nhóm đối tượng.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân, giúp ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh do Covid-19 trong thời gian tới.
* Vậy các em trong độ tuổi được tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 như thế nào thưa PGS?
- Theo Kế hoạch số 185 của UBND tỉnh: Đối với học sinh các khối lớp, ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm trực tiếp theo dõi và quản lý học sinh tại nơi tiêm chủng; chịu trách nhiệm thông báo cho học sinh đi tiêm theo ngày, giờ cụ thể, đảm bảo không tập trung đông người cùng một thời điểm. Ngoài ra, lượng cộng tác viên dân số, tổ Covid cộng đồng rà soát, lập danh sách quản lý các trẻ từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tại cộng đồng và mời các đối tượng đến các điểm tiêm theo đúng thành phần quy định.
|
Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm trực tiếp theo dõi và quản lý học sinh tại nơi tiêm chủng. |
* Quy trình tiêm vắc-xin cho trẻ em có khác gì so với người lớn không, thưa PGS?
- Các bước tiêm vắc-xin cho trẻ em tương tự như người lớn, cũng vẫn tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế: Tiếp nhận, khám sàng lọc, tiêm vắc-xin, nghỉ ngơi 30 chờ sau tiêm. Có đội cấp cứu túc trực để sẵn sàng xử lý tình huống nếu có. Trong mỗi bàn tiêm, luôn chuẩn bị sẵn thuốc cấp cứu, kịp thời xử lý ngay nếu có phát sinh. Cán bộ tiêm chủng được CDC tỉnh tập huấn kỹ, phản ứng nhanh với các tình huống.
* PGS có lưu ý gì cho các phụ huynh khi đưa con, em mình đi tiêm vắc-xin?
- Khi các em đi tiêm vắc-xin phải có phụ huynh đi theo để tạo các em ổn định tâm lý, tránh việc hoảng sợ gây nguy hiểm. Việc tiêm vắc-xin cho trẻ không nên tập trung đông người. Trẻ tiêm vắc-xin phải được sự đồng ý của cha, mẹ. Thứ 2 là cần sự hỗ trợ của cha mẹ trong vấn đề khai báo về sức khỏe, theo dõi sau tiêm cho trẻ,…
Tổ chức tiêm ngừa cho trẻ em sẽ sàng lọc rất kỹ, thực hiện ngăn nắp, không tập trung đông người, phối hợp với trường, tiêm vắc-xin cho học sinh theo giờ, tiêm xong lớp này thì đến lớp khác.
Trẻ em từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi dễ bị “sốc dây chuyền”, nếu 1 em bị đau, hoặc khóc thì nhiều em khác sẽ phản ứng theo nên phòng xử lý cấp cứu những em này sẽ được bố trí đặc biệt, không cho bé nào được nhìn thấy, nếu có vấn đề gì thì đưa vào phòng cách biệt đó để tránh những tình huống khác có thể xảy ra, nhất là tránh “sốc dây chuyền”.
* Những phản ứng, và chế độ dinh dưỡng, theo dõi sau tiêm cho trẻ sẽ như thế nào, thưa PGS?
- Các phản ứng sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đối với trẻ từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi tương tự như ở người lớn. Thường gặp nhất là đau đầu, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm. Đây là điều hoàn toàn bình thường, sẽ giảm và hết sau 1-3 ngày.
Về chế độ dinh dưỡng và chăm sóc sau tiêm: Phụ huynh nên cho bé ăn uống bình thường, đặc biệt là những thực phẩm dễ tiêu hóa. Không vận động mạnh sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 khoảng 3 ngày sau tiêm, vận động vừa phải kết hợp nghỉ ngơi hợp lý. Lý do là nếu vận động mạnh thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe các em.
* Xin cảm ơn PGS!.
Thời gian và địa điểm tiêm chủng vắc-xin Pfizer phòng Covid-19 cho trẻ từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Số lượng trẻ từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn tỉnh.