Mỗi giai đoạn thai kỳ cần dinh dưỡng hợp lý riêng
Bác sĩ Phấn khuyến cáo chế độ dinh dưỡng trong 3 tháng đầu (tam cá nguyệt thứ 1) nhiều trường hợp mẹ bầu bị ốm nghén, luôn cảm thấy khó chịu, thậm chí buồn nôn mỗi khi nhìn thấy thức ăn. Đây là giai đoạn hầu hết các cơ quan quan trọng của phôi được hình thành, mẹ bầu nên chia nhỏ ra thành nhiều bữa và thay đổi cách chế biến thực phẩm, nhưng đảm bảo đủ chất, không nên nhịn ăn.
Nếu trước khi mang thai mẹ bầu chưa bổ sung acid folic thì từ ngày đầu tiên biết mình mang thai cần bổ sung ngay, liều 400 mcg/ngày. Bên cạnh đó sắt và calci cần được tăng cường trong suốt 9 tháng mang thai nhằm tránh thiếu máu và loãng xương cho mẹ về sau. Việc uống thuốc chữa bệnh trong 3 tháng đầu cần đặc biệt lưu ý theo chỉ định của bác sĩ để tránh ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi.
Trong 3 tháng giữa (tam cá nguyệt thứ 2) là khoảng thời gian dễ chịu nhất trong hành trình mang thai. Về phía thai nhi, lúc này hệ xương phát triển mạnh, não bộ và các cơ quan cũng dần hoàn thiện chức năng. Do đó ngoài acid folic, sắt, calci, mẹ bầu cần bổ sung thực phẩm có chứa kẽm, liều 20 mg/ngày. Trong giai đoạn này mẹ bầu chỉ cần tăng khẩu phần ăn lên tương đương 300-400 kcal/ngày (bằng 2 chén cơm trắng hoặc 2 ly sữa).
Dinh dưỡng trong 3 tháng cuối (tam cá nguyệt thứ 3) đây là giai đoạn đánh dấu bước phát triển vượt bậc về cân nặng của thai nhi, để thai nhi tăng cân tốt, mẹ bầu cần chú ý tăng khẩu phần tương đương 400 kcal/ngày. Lúc này mẹ bầu cần bổ sung vitamin C cho cơ thể, nhằm hấp thụ sắt và calci tốt hơn. Vào 3 tháng cuối, do sự thay đổi hormon và thai nhi lớn gây áp lực lên vùng chậu và bàng quang, khiến mẹ bầu thường bị táo bón, đầy bụng, để tránh tình trạng này, chế độ cho bà bầu nên bổ sung nhiều chất xơ và tránh ăn các thực phẩm khó tiêu hóa.
Dinh dưỡng không hợp lý ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mẹ và thai nhi
Trong thai kỳ, mẹ bầu tăng trung bình tương đương 9-12kg. Chế độ dinh dưỡng cần đầy đủ 4 nhóm chất thiết yếu: Chất bột đường (carbohydrate), chất đạm (protein), chất béo (lipid), các loại vitamin, chất xơ và khoáng chất.
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, không đáp ứng nhu cầu của mẹ thời kỳ mang thai sẽ ảnh hưởng sức khỏe bà mẹ, đặc biệt là ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của thai nhi và cả của trẻ sau này. Chế độ dinh dưỡng của bà mẹ không đầy đủ sẽ làm giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, tăng nguy cơ sinh non. Ảnh hưởng chế độ dinh dưỡng bà mẹ đối với thai nhi sẽ khác nhau tùy từng giai đoạn thai kỳ.
Nếu ăn uống quá nhiều, mẹ tăng cân quá mức không chỉ ảnh hưởng đến vóc dáng, tâm lý sau sinh mà cò tăng nguy cơ tiểu đường, tăng huyết áp, tiền sản giật trong thai kỳ. Ngoài ra thai nhi to quá mức cũng khiến việc chuyển dạ khó khăn. Việc tăng cân quá nhiều trong quá trình mang thai khiến hành trình giảm cân sau sinh gian nan và kéo dài hơn.
Cần vận động hợp lý, hạn chế một số thực phẩm không tốt cho thai kỳ
Ngoài chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu, tập thể dục cũng là một phương thức quan trọng tăng cường sức khỏe cho bà mẹ, đồng thời “vượt cạn” nhẹ nhàng hơn, tuy nhiên cần chú ý về thời lượng tập và tránh các động tác quá mạnh, mẹ bầu có thể thực hiện các bài tập nhẹ nhàng và đi bộ từ 15-20 phút/ngày, tùy vào sức khỏe của mình. Lao động nhẹ nhàng, không nên làm việc quá nặng gây sẩy thai, sanh non.
Tập thể dục nhẹ nhàng giúp tinh thần sảng khoái, tuần hoàn lưu thông, không chơi các môn thể thao và điền kinh nặng. Nghỉ ngơi rất cần thiết cho người mẹ và thai nhi nhưng không nên nghỉ ngơi hoàn toàn tránh sinh khó.
Yếu tố tinh thần rất quan trọng cho người mẹ và sự phát triển của thai. Gia đình hạnh phúc, người mẹ được chăm sóc chu đáo, thai nhi sẽ phát triển tốt, kích thích tạo sữa nhiều sau sinh.
Mẹ bầu cũng cần lưu ý không nên dùng các loại thực phẩm có chất kích thích. Giảm ăn các loại gia vị như: ớt, hạt tiêu, tỏi. Giảm ăn mặn nhất là những người mẹ bị phù. Khi mang thai bà mẹ cần phải khám thai ít nhất 3 lần.