Cần sự chung tay phòng bệnh từ mỗi người dân

Thứ hai - 10/06/2019 09:31

Những tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay - chân - miệng đều tăng cao ở tỉnh. Chủ động phòng, chống 2 dịch bệnh nguy hiểm trên vào thời điểm này là hết sức cần thiết bởi mùa mưa là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh bùng phát.

Cán bộ y tế đi tuyên truyền, kiểm tra lăng quăng tại nhà hộ dân ở xã Thạnh Xuân.

Lo ý thức người dân

Sáu tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp ở địa bàn huyện Châu Thành A. Huyện có dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất của tỉnh, bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Huyện có 28 cas bệnh sốt xuất huyết, tăng 26 cas và 23 cas bệnh tay - chân - miệng, tăng 13 cas. Một số địa bàn có dịch bệnh tăng cao như: thị trấn Cái Tắc, xã Thạnh Xuân,... Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng trạm Y tế xã Thạnh Xuân, chia sẻ: “Những tháng đầu năm 2018, đến thời điểm này xã chỉ có 1 cas bệnh sốt xuất huyết và 1 cas bệnh tay - chân - miệng, nhưng hiện tại đã ghi nhận 4 cas bệnh tay - chân - miệng và 5 cas bệnh sốt xuất huyết. Tất cả các trường hợp mắc bệnh thông báo về địa phương, chúng tôi đều tiến hành xử lý môi trường, tuyên truyền vận động người dân thực hiện các giải pháp phòng bệnh. Xã cũng đã thực hiện chiến dịch phòng, chống dịch bệnh đợt 1, tuyên truyền phòng bệnh và tổng vệ sinh môi trường.  Tại ấp Xẻo Cao có ổ dịch nhỏ cũng đã thực hiện phun thuốc dập dịch ở nhà 30 hộ dân và thực hiện công tác tuyên truyền. Qua đi cộng đồng, điều kiện môi trường rất thuận lợi cho dịch bệnh phát triển, người dân thường vứt các vật dụng xung quanh nhà, những vật dụng này là nơi để lăng quăng phát triển”.

Theo nhận định của bà Trương Ngọc Điệp, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A: “Qua đi thực tế ở cộng đồng cho thấy ý thức của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh còn rất hạn chế. Ở địa bàn thị trấn Cái Tắc bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp một phần là do điều kiện môi trường ở đây thuận lợi để dịch bệnh bùng phát, một phần nguyên nhân là do ý thức người dân chưa quan tâm thường xuyên công tác phòng chống dịch bệnh”.

Cùng chung nhận định về vấn đề ý thức người dân, ông Lê Thành Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, nhấn mạnh: “Hộ dân không thường xuyên thực hiện các giải pháp phòng bệnh sau khi chúng ta thực hiện các đợt cao điểm tuyên truyền vận động, làm vệ sinh môi trường. Công tác truyền thông được thực hiện tại huyện qua các cuộc họp giao ban định kỳ với y tế cơ sở. Chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở cán bộ y tế cơ sở giám sát cộng đồng, thường xuyên để chủ động phòng, chống dịch bệnh”.

Huyện Châu Thành cũng là địa bàn có tình hình bệnh sốt xuất huyết diễn biến khá phức tạp, đây là đơn vị thứ 3 của tỉnh có số mắc cao. Theo bà Nguyễn Thùy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện: “Nguyên nhân tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp một phần là do điều kiện ở địa bàn có khu cụm công nghiệp, 2 đơn vị có số mắc nhiều là xã Đông Thạnh và xã Phú Tân. Trong khi, Phú Tân có nhiều lò than là điều kiện thuận lợi để bệnh sốt xuất huyết phát triển. Đồng thời, ý thức người dân ở đây cũng rất hạn chế, qua giám sát tuyên truyền vận động nhưng một số người dân chưa quan tâm thực hiện phòng bệnh khi cán bộ y tế yêu cầu”.

Tích cực tuyên truyền nâng cao kiến thức người dân

Đến ngày 5-6, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 123 cas bệnh sốt xuất huyết, tăng 77 cas và 160 cas bệnh tay - chân - miệng, tăng 61 cas so với cùng kỳ năm trước. Khẳng định việc thực hiện phòng bệnh thường xuyên của người dân bên cạnh việc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh của ngành y tế có ý nghĩa quyết định, Ban Chỉ đạo Phòng, chống bệnh nguy hiểm trên người tỉnh sẽ triển khai chiến dịch hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết, dự kiến được triển khai trên địa bàn tỉnh từ ngày 14 đến ngày 21-6. Sẽ tập trung thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong quần chúng nhân dân các hộ gia đình thực hiện các giải pháp phòng bệnh tay - chân - miệng và sốt xuất huyết và bệnh do vi-rút zika.

Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Lành, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: “Những tháng đầu năm, dịch bệnh đã gia tăng, nhưng điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi để dịch bệnh phát triển. Các địa phương cần thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền, vận động để cải thiện điều kiện môi trường đảm bảo phòng, chống chủ động với dịch bệnh”. Chiến dịch sẽ được diễn ra trong một tuần và thực hiện đồng loạt trên phạm vi cả tỉnh với các mục tiêu 100% hộ gia đình được vãng gia, vận động tuyên truyền các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho rằng: “Để nâng cao ý thức của người dân cách thức tuyên truyền, vận động của cán bộ y tế cũng cần được thay đổi. Cán bộ y tế không nên làm thay người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, chẳng hạn như đổ lăng quăng. Khi nhà hộ dân có lăng quăng hãy vận động người dân tự đổ các dụng cụ chứa nước có lăng quăng, tự dọn dẹp vệ sinh các vật dụng xung quanh nhà mình để tạo cho người dân ý thức, tránh tình trạng ỷ lại. Công tác tuyên truyền cần phối hợp với các ngành, đoàn thể địa phương. Cán bộ y tế cũng phải quan tâm xử lý triệt để ổ dịch để phòng dịch bệnh lây lan”.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Nguồn tin: www.baohaugiang.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
[SITE_BTN_TOOL]