UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành Công văn số 58 về tăng cường các biện pháp bảo đảm kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Bên cạnh một số hoạt động được mở lại, công văn nêu rõ yêu cầu: Dừng tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các sự kiện, liên hoan, dịp cuối năm có tập trung đông người trên địa bàn và theo phân cấp quản lý (trừ các lễ hội, hội nghị theo yêu cầu nhiệm vụ được giao).
Karaoke hoạt động trở lại, ăn uống được bán tại chỗ nhưng không quá 50% công suất (trừ địa bàn dịch Cấp độ 4)
Đối với hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, karaoke, internet, khu vui chơi, giải trí, trò chơi điện tử, các cơ sở làm tóc, spa, mát xa, làm đẹp,… được hoạt động phục vụ khách tại chỗ (trừ địa bàn có dịch cấp 4 phải dừng hoạt động) nhưng cam kết phục vụ số lượng khách không quá 50% công suất, đồng thời thực hiện giãn cách tối thiểu 2m giữa các bàn ăn, uống; chủ cơ sở phải có biện pháp kiểm soát thông tin khách hàng để phục vụ truy vết (quét mã QR-Code); tất cả khách hàng, nhân viên và người quản lý đều phải tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 06 tháng. Chủ cơ sở phải thực hiện test nhanh kháng nguyên sàng lọc SARS-CoV-2 thường xuyên cho người lao động định kỳ ít nhất 02 tuần/lần. Giao UBND phường, xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp vi phạm.
Thời gian kể từ 15 giờ, ngày 14-01-2022 đến khi có thông báo tiếp theo.
Hiện tại, tất cả 75 xã, phường, thị trấn ở Hậu Giang đều đang ở Cấp độ dịch 3 – Cam (Nguy cơ cao), nên đủ điều kiện áp dụng các quy định được bán ăn uống tại chỗ, cho karaoke, spa hoạt động trở lại.
Tình hình dịch bệnh tại tỉnh hiện ghi nhận số nhiễm cộng đồng vẫn đang ở mức cao so với thời gian trước đó, trung bình hơn 450 bệnh nhân mỗi ngày, số bệnh nhân tử vong do Covid-19 cũng tăng dù tỷ lệ thấp so với khu vực cũng như cả nước. Tổng cộng gần 22.200 bệnh nhân Covid-19 được ghi nhận từ đầu dịch (khoảng đầu tháng 7-2021 đến nay), trong đó có hơn 18.350 trường hợp đã được điều trị khỏi và xuất viện, còn 3.680 bệnh nhân đang điều trị, trong đó hơn 2.100 F0 không triệu chứng điều trị tại nhà.
Sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó linh hoạt, kịp thời, chủ động kiểm soát dịch bệnh trong mọi tình huống.
Tiếp tục triển khai thực hiện Quy định hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang theo Quyết định số 1988/QĐ-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2021 và Quyết định số 2060/QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2021 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Căn cứ Thông báo đánh giá cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn Tỉnh hàng tuần hoặc đột xuất để chủ động triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch và các hoạt động kinh tế, đời sống xã hội của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, phát huy vai trò của hệ thống giám sát y tế, lực lượng công an xã, tổ Covid cộng đồng và nâng cao ý thức người dân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó linh hoạt, kịp thời, chủ động kiểm soát dịch bệnh trong mọi tình huống.
Hạn chế di chuyển khi không cần thiết để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 dịp tết
Yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể Nhân dân trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 hạn chế di chuyển khi không cần thiết để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, cũng như bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Trường hợp do nhu cầu phải đến/về địa phương từ vùng có dịch, phải thực hiện khai báo y tế trung thực, chính xác, thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú để được hướng dẫn kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Đảm bảo duy trì chế độ thường trực phòng, chống dịch 24/24h ở các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn đảm bảo duy trì chế độ thường trực phòng, chống dịch 24/24h ở các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, đặc biệt là lực lượng y tế, công an, quân sự; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế theo phương châm “bốn tại chỗ” nhằm đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh. Tăng cường quản lý, giám sát các trường hợp nhập cảnh là chuyên gia, công dân Việt Nam từ nước ngoài về nghỉ Tết, thăm người thân, lưu trú hoặc làm việc tại địa phương, đặc biệt các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia đã ghi nhận biến chủng mới Omicron.
Doanh nghiệp chủ động xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 định kỳ cho công nhân, người lao động.
Chỉ đạo các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tới từng phân xưởng/khu vực sản xuất; chủ động thực hiện xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 định kỳ cho công nhân, người lao động.
Yêu cầu người quản lý doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tổ an toàn Covid-19 của đơn vị thực hiện nghiêm việc kiểm soát người lao động trong đơn vị, đặc biệt thực hiện triệt để việc khai báo y tế để thực hiện xét nghiệm và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.