Chớ lơ là phòng dịch bệnh truyền nhiễm đầu năm học mới

Thứ sáu - 20/09/2024 14:15
Ngành y tế dự báo số ca bệnh truyền nhiễm tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, khi học sinh tập trung trở lại trường bắt đầu năm học 2024-2025 nếu không chủ động phòng bệnh.
Giáo viên hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách tại lớp lá 3, Trường Mẫu giáo Tân Bình 2, huyện Phụng Hiệp.
Giáo viên hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách tại lớp lá 3, Trường Mẫu giáo Tân Bình 2, huyện Phụng Hiệp.
Nhiều dịch bệnh có nguy cơ lây lan ở trường học
Ông Lê Văn Chúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thông tin: “Tình hình dịch sởi tăng trong cả nước và ở tỉnh cũng ghi nhận 12 ca bệnh, năm 2023 tỉnh không có ca bệnh sởi. Bệnh tay - chân - miệng ghi nhận 370 ca bệnh, giảm 203 ca so với cùng kỳ năm 2023 và sốt xuất huyết ghi nhận 188 ca, giảm 235 ca so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, khi trẻ tập trung đến trường với môi trường đông người, các em tiếp xúc với nhau, khó tránh khỏi lây lan các dịch bệnh này nếu có trường hợp mắc bệnh. Dịch bệnh truyền nhiễm có thể gia tăng nếu không chủ động dự phòng”.
Ngoài ra, học sinh còn đối diện với nguy cơ lây các bệnh khác ở trường học, như: Đau mắt đỏ, thủy đậu, cảm cúm,....
Trong đó, nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là trẻ mầm non, mẫu giáo và học sinh tiểu học. Khi mắc bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe và cả việc học tập của các em. Bà Nguyễn Thị Ngọc Huyền, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, mẹ của em Huỳnh Nhã Thư, 6 tuổi, đang nằm viện điều trị bệnh tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, chia sẻ: “Con tôi nhập viện bác sĩ nói nghi mắc bệnh sởi. Sốt cả tuần điều trị ở tuyến huyện không khỏi nên tôi đưa đến nhập viện ở đây. Không chỉ sốt, cháu nổi ban đỏ khắp người và ít ăn. Năm nay, con mới vào lớp 1, đến trường được 2 ngày rồi bệnh luôn”. Gia đình cũng không biết Nhã Thư bị lây bệnh từ đâu và rất lo lắng.
Trẻ em có sức đề kháng kém, chưa biết tự thực hiện phòng bệnh cho bản thân. Trong khi những ngày đầu nhập học bước vào môi trường mới, trẻ mới học mẫu giáo quấy khóc nhiều, chưa quen ăn uống tại trường nên sức đề kháng giảm vừa dễ bệnh và dễ bị lây bệnh từ các bạn khác.
Chủ động khâu dự phòng
Đến thời điểm này, huyện Phụng Hiệp là địa bàn có ca bệnh tay - chân - miệng nhiều nhất tỉnh với 112 ca, chiếm gần 1/3 trong tổng số ca bệnh chung của tỉnh, nên trước khi bước vào năm học mới các giải pháp chủ động phòng dịch đã được quan tâm thực hiện.
Ngành y tế huyện đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tập huấn về công tác y tế trường học cho 100% điểm trường, đặc biệt chú trọng hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh truyền nhiễm.
Sau khi được tập huấn, các điểm trường đã chủ động thực hiện phòng dịch. Bà Nguyễn Thị Vẹn, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tân Bình 2, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Chúng tôi tăng cường hoạt động vệ sinh trường lớp trước khi đón các em vào học. Mỗi ngày giáo viên đều vệ sinh lớp học. Tăng cường tuyên truyền trên loa phát thanh của trường và thông qua giáo viên đến phụ huynh để các gia đình chung tay phòng dịch hiệu quả”.
Đối với mỗi giáo viên của trường, khi nhận trẻ đều lưu ý sức khỏe mỗi em. Cô Phạm Thị Mỹ Vân, phụ trách lớp lá 3, Trường Mẫu giáo Tân Bình 2, cho biết: “Nếu trẻ có biểu hiện mắc bệnh sẽ báo phụ huynh đưa về để khám bệnh, hạn chế lây bệnh cho các bạn khác cùng lớp. Ngoài ra, chúng tôi còn giáo dục các em thực hiện rửa tay thường xuyên bằng xà phòng đúng cách để phòng bệnh”.
Với sự chủ động phòng dịch bệnh truyền nhiễm tại mỗi lớp học sẽ giảm thiểu nguy cơ dịch lây lan, bùng phát thành dịch lớn ở trường học cũng như ở cộng đồng.
Trước nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm có thể gia tăng đầu năm học mới, ngành y tế tỉnh sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ, xử lý đúng quy định theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khi có ca bệnh, phòng lây lan dịch ở cộng đồng cũng như ở trường học...
Khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh 
Bên cạnh sự chủ động của ngành y tế, ông Lê Văn Chúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khuyến cáo phụ huynh nếu trẻ có dấu hiệu bị bệnh nên cho trẻ ở nhà chăm sóc và quan tâm thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh truyền nhiễm tại nhà, như giữ gìn vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng đúng cách, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, tránh tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm. Đối với các bệnh có vắc-xin dự phòng nên tiêm vắc-xin cho trẻ đúng lịch, đủ liều để chủ động phòng bệnh hiệu quả.

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: Hồng Diễm – Bích Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

[SITE_BTN_TOOL]