Thời gian tốt nhất để trẻ bắt đầu ăn dặm
Khi trẻ mới sinh ra, các bà mẹ được khuyến cáo cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Và kể từ lúc 6 tháng tuổi các gia đình cần bắt đầu cho trẻ tập ăn dặm. Bởi vì, thời điểm này là giai đoạn có khoảng trống năng lượng. Nếu chỉ bú mẹ theo các số liệu nghiên cứu cho thấy lúc trẻ 6 tháng sữa mẹ chỉ cung cấp khoảng 70% năng lượng và 80% protein cho sự phát triển của trẻ. Nếu không cho ăn dặm thời gian này, trẻ sẽ bị thiếu hụt dinh dưỡng để phát triển tốt. Càng về sau, tỷ lệ cung cấp năng lượng của sữa mẹ càng thấp, chẳng hạn lúc 9 tháng sau sinh sữa mẹ chỉ cung cấp khoảng 50% năng lượng, 60% protein và lúc 12 đến 23 tháng sữa mẹ chỉ cung cấp khoảng 30% năng lượng, 40% protein cho nhu cầu phát triển của trẻ.
Về sự phát triển của trẻ, thời điểm 6 tháng trẻ đã phát triển hoàn thiện phản xạ nuốt, enzyme tuyến tụy đã đầy đủ, không nhả thức ăn cứng. Lúc trẻ 9 tháng tuổi môi đã mút được thức ăn từ thìa.
Vì sao không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn ?
Thực tế có các gia đình lo sợ trẻ uống sữa không đủ chất thời điểm 6 tháng đầu đời nên tập cho trẻ ăn sớm từ 4 hoặc 5 tháng tuổi. Nếu cho trẻ ăn quá sớm, trẻ sẽ khó tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa và tăng nguy cơ rối loạn dinh dưỡng về sau. Trái lại cũng có trường hợp gia đình lạm dụng sữa, nên cho trẻ ăn quá muộn vào tháng thứ 8, 9 hoặc đến 1 tuổi sẽ ảnh hưởng làm trẻ thiếu dinh dưỡng, chậm tăng trưởng, thiếu vi chất dinh dưỡng, thậm chí biếng ăn, suy dinh dưỡng. Trẻ bị tăng nguy cơ viêm phổi, tiêu chảy do suy dinh dưỡng.
Cách đúng khi cho trẻ ăn dặm
Gia đình cần lưu ý mới đầu tiên cho trẻ tập ăn dặm có thể cho trẻ ăn loại có vị ngọt trước. Vì vị ngọt tương tự vị của sữa để trẻ làm quen dần không quá thay đổi khẩu vị. Lúc đầu mới cho trẻ ăn chỉ nên chế biến thức ăn loãng, chỉ sánh hơn sữa một chút, sau đó mới từ từ cho ăn đặc dần. Gia đình cần chế biến bữa ăn dặm cho trẻ đa dạng thực phẩm, gồm các loại: Bột gạo, khoai lang, khoai môn, cá, thịt, gan, trứng, đậu phộng, đậu xanh, rau muống, cải, mồng tơi, bí đỏ, dầu ăn,…
Từ 8 tháng trẻ bắt đầu biết nhai có thể ăn cơm mềm. Trẻ từ 12 tháng trẻ có thể ăn hầu hết thức ăn của gia đình nhưng cần cắt nhỏ và mềm. Trẻ trên 12 tháng có thể ăn 1/2 các loại thức ăn của người lớn.