Đại diện WHO khuyến nghị: Việt Nam cấm thuốc lá điện tử, các sản phẩm thuốc lá nung nóng

Thứ năm - 21/03/2024 20:53
Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam kêu gọi Việt Nam cấm thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, và đi kèm với lệnh cấm là các biện pháp thực thi mạnh mẽ...
TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nêu rõ
TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nêu rõ

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tác hại của thuốc lá do Bộ Y tế tổ chức vừa qua tại Hà Nội, TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam bày tỏ lời chúc mừng Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế đã giảm thiểu sử dụng thuốc lá ở cả người lớn và thanh thiếu niên.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, các sản phẩm thuốc lá nung nóng trong giới trẻ đang gia tăng
Dẫn chứng, TS Angela Pratt cho biết, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới giảm từ khoảng 47% năm 2010 xuống còn 41% năm 2021. Và việc sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên từ 13-17 tuổi đã giảm gần một nửa từ năm 2015 đến năm 2019, với tỷ lệ giảm từ gần 6% xuống dưới 3%.

TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nêu rõ: Một mối quan tâm khác là các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Tất cả các bằng chứng hiện có cho thấy tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này trong giới trẻ đang gia tăng.
Theo Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: Đây là những kết quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng “Hiện nay chúng ta chưa đạt được tiến bộ đủ nhanh để đạt được các mục tiêu của chiến lược quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá, Chương trình Việt Nam khỏe mạnh cũng như mục tiêu Mục tiêu Phát triển Bền vững”.
Một trong những lý do cho điều này theo TS Angela Pratt là thuế rất thấp làm cho các sản phẩm thuốc lá ở Việt Nam trở thành một trong những sản phẩm rẻ nhất trên thế giới. Điều này làm cho những người trẻ tuổi dễ dàng bắt đầu hút thuốc, và không tạo được quyết tâm cho những người hút thuốc hiện tại bỏ thuốc.
TS Angela Pratt cũng nhắc đến một mối quan tâm khác là các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Tất cả các bằng chứng hiện có cho thấy tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này trong giới trẻ đang gia tăng.
“Điều này thật đáng báo động - vì nó đe dọa tạo ra một thế hệ thanh niên nghiện nicotine hoàn toàn mới ở Việt Nam - và đảo ngược những tiến bộ đã đạt được trong thập kỷ qua nhờ việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá”- TS Angela Pratt nói.
Trên thực tế thời gian qua, các nhiều cơ sở y tế ở nước ta đã ghi nhận không ít trường hợp nhập viện điều trị vì hậu quả của sử dụng thuốc lá điện tử.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hàm lượng nicotine trong thuốc lá điện tử cao hơn rất nhiều lần so với thuốc lá thông thường. Đây là chất độc, khả năng gây nghiện cao. Theo một nghiên cứu trên thế giới vào năm 2018, ước tính cứ 1 người bỏ được thuốc lá khi dùng thuốc lá điện tử thì có thêm 80 trẻ vị thành niên nghiện nicotine.
Ngoài ra, các loại thuốc lá điện tử chứa rất nhiều loại hóa chất, đều các hóa chất nhân tạo tổng hợp với số lượng khổng lồ, thay đổi các hóa chất liên tục. Điều này làm phát sinh loạt bệnh/ngộ độc mới nổi, thậm chí y học chưa biết. Bên cạnh đó, nó còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
TS Nguyên cho hay, thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử lan rộng nhanh chóng, nhiều bệnh nhân trẻ ngộ độc cấp sau dùng thuốc lá điện tử đã phải nhập viện. Tính từ tháng 1/2022 - tháng 10/2023, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận hơn 120 ca bệnh nhân nhập viện sau khi sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó 87% là nam giới, 30% là giới trẻ.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo hiện nay trào lưu sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ rất nguy hiểm. Những bệnh nhân trẻ vào viện vì sử dụng thuốc lá điện tử đều phải làm tất cả xét nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng, đánh giá chức năng các cơ quan và xét nghiệm độc chất.
Thông qua đó, các bác sĩ phát hiện các loại hóa chất có trong các loại thuốc lá điện tử và thay đổi thường xuyên, từ đó sinh ra hàng loạt bệnh, tình trạng ngộ độ mới. Thậm chí, nhiều chất y học chưa được biết đến, và kết quả xét nghiệm một số trường hợp ngộ độc còn cho thấy phát hiện các chất ma túy với thành phần gồm: ADB-Butinaca, MDMD-butinaca; ADB-4en-pinaca; MDMB-4e-pinaca; EDMB-4e-pinaca; THC; PB-22.
Thuốc lá là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất mà thế giới từng phải đối mặt
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để bảo vệ những người trẻ tuổi khỏi việc sử dụng thuốc lá, hoặc bất kỳ sản phẩm nào có nguy cơ gây nghiện nicotine. Nếu chúng ta có thể ngăn chặn ai đó bắt đầu sử dụng các sản phẩm này khi họ còn trẻ, điều đó giống như tiêm cho họ một loại vaccine bảo vệ chống lại tác hại của thuốc lá và nghiện nicotine suốt đời, bởi vì mọi người ít có khả năng bắt đầu sử dụng thuốc lá hoặc nicotine khi họ đã trưởng thành.
Để đạt được điều này, WHO có ba khuyến nghị cụ thể cho Việt Nam một số nội dung cụ thể:
Thứ nhất, chúng tôi đặc biệt khuyến nghị tăng thuế và giá thuốc lá.
Thứ hai, chúng tôi kêu gọi Chính phủ Việt Nam cấm thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, và đi kèm với lệnh cấm là các biện pháp thực thi mạnh mẽ.
Thứ ba, "chúng tôi nghĩ rằng vẫn còn nhiều khoảng trống để để thực hiện mạnh mẽ hơn nữa Luật phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia"
TS Angela Pratt bày tỏ: Chúng tôi biết việc giảm sử dụng thuốc lá sẽ không dễ dàng. Những nỗ lực thay đổi lớn và quan trọng sẽ không bao giờ dễ dàng. Thuốc lá là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất mà thế giới từng phải đối mặt, giết chết hơn 8 triệu người mỗi năm với tổn thất lớn về kinh tế và sức khỏe.
"Nhưng Việt Nam không phải chiến đấu một mình trong cuộc chiến này. Trong nhiều năm qua, WHO đã hỗ trợ các nỗ lực phòng chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam, bao gồm cả luật phòng chống tác hại thuốc lá. Chúng tôi vẫn kiên định cam kết sát cánh với Chính phủ để bảo vệ người dân và nền kinh tế Việt Nam khỏi tác hại thuốc lá trong 10 năm tới và hơn thế nữa, và giúp đạt được các mục tiêu của đất nước về một Việt Nam khỏe mạnh và an toàn hơn"- TS Angela Pratt nhấn mạnh.
 

Tác giả bài viết: ​​​​​​​Bài, ảnh: Bích Thiện, Khoa Truyền thông - GDSK (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

[SITE_BTN_TOOL]