Mẹ bầu vượt cạn có đôi

Thứ hai - 05/08/2024 13:48
Với sự phát triển dịch vụ phòng sinh, phòng mổ gia đình tại Khoa Sản, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, các mẹ bầu không còn chạnh lòng khi nghe câu: “Đàn ông đi biển có đôi/Đàn bà vượt cạn mồ côi một mình”, khi thực hiện nhiệm vụ thiên chức người phụ nữ.
Anh Nguyễn Hoàng Phố cùng vợ trải qua quá trình sinh con và chứng kiến khoảnh khắc con yêu chào đời khi lựa chọn dịch vụ sinh gia đình.
Anh Nguyễn Hoàng Phố cùng vợ trải qua quá trình sinh con và chứng kiến khoảnh khắc con yêu chào đời khi lựa chọn dịch vụ sinh gia đình.

Hài lòng khi lựa chọn
Vừa trải nghiệm dịch vụ phòng sinh gia đình tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, chị Đặng Tú Ni và chồng là anh Nguyễn Hoàng Phố, ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, rất hài lòng. Anh Phố chia sẻ: “Mới 2 năm trước, vợ tôi sinh bé đầu tiên, chưa có dịch vụ sinh gia đình. Tôi ngồi ngoài chờ mà trong bụng không an. Cứ thấp thỏm không biết bên trong vợ sao rồi, sinh có dễ không?, nhưng sinh con thứ hai lần này, mới vào nhập viện, các bác sĩ đã tư vấn gia đình về dịch vụ sinh gia đình, tôi đã lựa chọn”.
Khi được hỏi về cảm nhận sau khi cùng vợ vượt cạn trong phòng sinh gia đình, anh Phố chia sẻ: “Tôi có thể động viên tinh thần vợ lúc đau bụng chuyển dạ sinh. Biết được tình hình trong phòng sinh vợ vẫn ổn và y, bác sĩ rất tận tâm. Tôi thấy yên tâm khi sử dụng dịch vụ này”. Không chỉ vậy, chứng kiến vợ đau khi chuyển dạ anh có thể thấu hiểu nỗi đau của vợ khi sinh con, để biết sẻ chia và yêu thương vợ hơn.
Theo cử nhân hộ sinh Trần Thị Lan Xiêm, Hộ sinh trưởng khoa Sản, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh: “Thời điểm “vượt cạn”, người phụ nữ phải vượt qua cơn đau chuyển dạ, đối diện với nhiều yếu tố nguy cơ, bất trắc mà dân gian vẫn hay gọi “cửa sanh là cửa tử”. Hầu hết người vợ đều mong muốn có chồng, người thân cùng đồng hành kề bên, hỗ trợ tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho mình. Thấu hiểu nỗi lòng đó, Bệnh viện đã triển khai phòng sinh gia đình, khuyến khích các “ông bố hay người thân cùng vào với sản phụ. Dịch vụ này thời gian qua đã được nhiều gia đình lựa chọn. Ngoài ra, Bệnh viện cũng có dịch vụ phòng mổ gia đình dành cho các thai phụ sinh mổ”. 
Nhiều lợi ích
Thực tế cho thấy, nhờ có phòng sinh, phòng mổ gia đình, giờ đây người vợ không còn phải một mình đối diện với những cơn đau đẻ, một mình vượt cạn, một mình bước vào phòng sinh. Các sản phụ đã có thể chào đón con yêu cùng chồng và gia đình. Người chồng và gia đình cũng không còn phải lo lắng, đứng ngồi không yên không biết vợ đã sinh chưa, cuộc sinh có thuận lợi, mẹ tròn con vuông hay không.
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Hoàng Tín, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, cho biết: “Với 2 dịch vụ trên sẽ hỗ trợ tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho sản phụ. Sự đồng hành của người chồng có thể giúp mẹ bầu như được tiếp thêm sức mạnh, vượt qua được nỗi sợ hãi và lo lắng cho cuộc sinh sắp tới. Mẹ bầu được yêu thương cảm thấy thoải mái hơn, tâm lý nhẹ nhàng hơn, cơn đau chuyển dạ cũng êm dịu hơn sẽ giúp cuộc sinh diễn ra thuận lợi và nhanh chóng”.
Người chồng, gia đình càng thấu hiểu và yêu thương sản phụ hơn, chứng kiến khoảnh khắc con yêu chào đời, cùng cho trẻ bú sữa mẹ ngay từ những giây đầu tiên, hỗ trợ sản phụ phục hồi sau sinh tốt hơn. Đặc biệt trong một số trường hợp tình huống khẩn cấp, có thể đưa ra quyết định quan trọng. Không phải tất cả cuộc sinh nở đều diễn ra thuận lợi. Thực tế cho thấy, một vài trường hợp quá trình sinh có thể gặp phải khó khăn bởi nhiều yếu tố nguy cơ. Sự hiện diện của người chồng trong phòng sinh, phòng mổ gia đình giúp đưa ra quyết định quan trọng một cách nhanh chóng trong tình huống khẩn cấp, tranh thủ được từng giây phút quý giá để đảm bảo an toàn cho cuộc sinh “Mẹ tròn con vuông”.
 

Dịch vụ phòng sinh, phòng mổ gia đình dành cho những sản phụ nào ?

Tất cả sản phụ đều được tư vấn, đăng ký dịch vụ phòng sinh gia đình, phòng mổ gia đình phù hợp với tình trạng của thai phụ, hướng đến mục tiêu “thuận mẹ, khỏe con, an toàn, chất lượng”. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo nếu người nhà của sản phụ chưa được chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, chưa được trang bị một số kiến thức cần thiết hoặc có bệnh lý nền như cao huyết áp không điều trị, sợ máu, kim tiêm… nên cân nhắc khi chọn 2 dịch vụ này.

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: Hồng Diễm - Bích Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

[SITE_BTN_TOOL]