Nhiều chị em lo ngại, liệu rằng việc mắc
ung thư vú có gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản hay thắc mắc liệu sau khi điều trị ung thư có thể mang thai hay không?
Theo TS Phùng Thị Huyền - trưởng khoa nội, Bệnh viện K (cơ sở Quán Sứ) - thực tế bệnh viện đã từng tiếp nhận
bệnh nhân ung thư vú chỉ mới 19 tuổi hay nhiều trường hợp 25 - 27 tuổi đã mắc bệnh. Trong quá trình điều trị, họ lo lắng về ảnh hưởng sức khỏe, việc lập gia đình và có con có bị ảnh hưởng hay không.
"Đến nay, đã có những nghiên cứu rất lớn trên thế giới cho thấy nếu một bệnh nhân ung thư vú sau khi điều trị hoàn thiện, việc mang thai và sinh con sẽ không làm cho tình trạng ung thư vú xấu đi.
Bệnh nhân ung thư vú sau khi điều trị có thể sinh con hoàn toàn khỏe mạnh, đứa trẻ không bị tác động bởi những phương pháp điều trị mà người mẹ đã sử dụng trước đó. Vì vậy, bệnh nhân ung thư có thể yên tâm sinh con sau khi điều trị bệnh.
Tuy nhiên, việc bệnh nhân ung thư vú có thể mang thai như thế nào, thời gian sau bao lâu cần phụ thuộc vào từng cá thể", bác sĩ Huyền cho hay.
Theo bác sĩ Huyền, đối với bệnh nhân điều trị tamoxifen (một loại thuốc điều trị
nội tiết tố) sẽ có những tác dụng phụ gây rối loạn kinh nguyệt.
Đối với những bệnh nhân điều trị hóa chất, bản thân hóa chất cũng có gây tác động đến buồng trứng, gây suy giảm chức năng buồng trứng tạm thời, trong và sau khi điều trị hóa chất. Việc đánh giá ảnh hưởng của hóa chất đến chức năng buồng trứng phụ thuộc vào loại, phác đồ hóa chất điều trị.
Ngoài ra, việc phục hồi chức năng buồng trứng còn phụ thuộc vào độ tuổi điều trị. Bệnh nhân dưới 40 tuổi thì khả năng hồi phục buồng trứng cao hơn so với những bệnh nhân từ 45 tuổi trở lên.
"Rất khó để các bác sĩ đưa ra một mốc thời gian cố định cho việc mang thai khi
điều trị ung thư vú, các bác sĩ phải cân nhắc về vấn đề chuyên môn lẫn xã hội. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo bệnh nhân nên mang thai sau khi kết thúc điều trị ung thư.
Có những bệnh nhân kết thúc điều trị, sức khỏe ổn định có thể tiến hành mang thai ngay sau đó. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân điều trị nội tiết thì nan giải hơn bởi thời gian điều trị nội tiết kéo dài ít nhất 5 năm.
Chính vì vậy, nếu thời điểm chẩn đoán là 40 tuổi, chờ đến 45 tuổi kết thúc điều trị thì lúc đó rất lo lắng vì tuổi cao, việc mang thai có nhiều nguy cơ. Trường hợp này, bác sĩ cũng không khuyến cáo kết thúc
điều trị ung thư sớm để mang thai", bác sĩ Huyền cho hay.
Theo bác sĩ Huyền thực tế có những bệnh nhân mong muốn dừng điều trị nội tiết để sinh con, có thể điều trị 3 năm sau đó mang thai và sinh con. Vậy sau khi sinh con xong có quay trở lại để điều trị tiếp được không?
Theo chuyên gia thì cho đến nay chưa có nghiên cứu nào hướng dẫn cụ thể về trường hợp này. Sau khi sinh con, các mẹ nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để tiếp tục được tư vấn điều trị.
Riêng đối với những bệnh nhân điều trị đích thì các chuyên gia khuyên thời gian mang thai hợp lý là sau khi kết thúc điều trị đích 7 tháng.