Xây dựng cơ chế, chính sách nâng cao chế độ đãi ngộ với đội ngũ y tế
Thứ hai - 22/08/2022 14:18
Ngày 21-8, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững. Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Hậu Giang, có ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Trong giai đoạn vừa qua, công tác y tế của nước ta đã đạt được những thành tựu nhất định. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 81,7% (năm 2016) lên 91,01% (năm 2021). Giai đoạn 2000-2021, tỷ số tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống đã giảm 3,75 lần; tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi giảm xấp xỉ 3 lần. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ lĩnh vực y tế. Tầm vóc người dân được cải thiện rõ rệt, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng từ 152,3cm (năm 2000) lên 155,6cm (năm 2020) đối với nữ và từ 162,3cm (năm 2000) lên 168,1cm (năm 2020) đối với nam. Tuổi thọ trung bình của người dân là tăng từ 72,9 tuổi (năm 2010) lên 73,6 (năm 2021), cao hơn trung bình thế giới.
Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, họp tại điểm cầu trực tuyến UBND tỉnh Hậu Giang.
Theo báo cáo giám sát thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện năm 2021, chỉ số bao phủ dịch vụ y tế của Việt Nam đạt 70/100 điểm, cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (61 điểm) và của toàn cầu (67 điểm). Trong nước, đã sản xuất được 11/12 loại vắc-xin tiêm chủng. Việt Nam có số liều vắc-xin phòng Covid-19 sử dụng và tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao trên thế giới; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trên tổng dân số cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới. Nước ta cũng đã làm chủ công nghệ ghép tạng và ghép được 6/6 tạng chủ yếu.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác y tế của nước ta còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế khu vực công lập còn nhiều. Thêm vào đó là tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc, gây ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, ghi nhận, biểu dương những sự đóng góp của lực lượng y tế cả nước đối với sức khỏe của Nhân dân và chúc mừng những thành tựu mà ngành y tế đã đạt được, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước. Chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà ngành y tế cả nước phải đối mặt trong suốt thời gian qua. Thủ tướng Chính phủ khẳng định đây cũng là thời cơ để ngành y tế phát hiện những hạn chế, từ đó có sự sửa chữa, thay đổi phù hợp, đáp ứng yêu cầu công tác và hội nhập quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: Trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, cùng các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19, chủ động, sẵn sàng ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch. Tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho người dân. Khẩn trương rà soát hệ thống cơ chế, chính sách ngành y tế trên cả nước và đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách theo thẩm quyền. Tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác và thường xuyên kiểm tra, giám sát. Nghiên cứu giao các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý cho các địa phương quản lý.
Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng cơ chế, chính sách nâng cao chế độ đãi ngộ với đội ngũ y tế. Nghiên cứu công nhận liệt sĩ đối với các nhân viên y tế hy sinh khi làm nhiệm vụ và bảo vệ nhân viên y tế. Quan tâm phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Bộ Y tế phối hợp các bộ, ngành liên quan, xây dựng các quy định, hướng dẫn đấu thầu thuốc, vật tư y tế, tránh tâm lý sợ sệt, lo ngại trong đấu thầu. Đẩy mạnh hợp tác công, tư trong lĩnh vực y tế. Tiếp tục thực hiện lộ trình bao phủ bảo hiểm y tế và giảm tỷ lệ chi tiền túi của người dân cho y tế. Cải cách hành chính, chuyển đổi số y tế hiệu quả,…
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân là nhiệm vụ nòng cốt của ngành y tế, nhưng phải có sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị.